Đối thoại an ninh 4 bên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Cập nhật: 28-05-2020 | 14:08:59

Trên giấy tờ, Đối thoại an ninh 4 bên (the Quad - Bộ tứ) đóng vai trò là một liên minh hùng mạnh có khả năng tập hợp các nguồn lực to lớn và tận dụng các lợi thế địa lý riêng biệt để kiềm chế đối thủ và nhằm thống trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên bình diện quân sự.

Bộ tứ, bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, được cho là trở thành đại diện cho những kế hoạch lớn nhằm củng cố hiện trạng ở khu vực nói trên.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm này vẫn chưa thể đoàn kết thành một khối thống nhất tương đương với sức mạnh của các thành viên cộng lại. Mặc dù sự hợp tác quân sự giữa các thành viên đã gia tăng, tất nhiên mới chỉ ở mức khiêm tốn, nhóm này vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện bất kỳ sáng kiến chung nào, ngay cả với mục đích xây dựng một liên minh an ninh thống nhất có khả năng điều phối sự hợp tác quân sự phức tạp trong môi trường tác chiến.

Đại dịch COVID-19 có thể thực sự thúc đẩy Bộ tứ cũng như cán cân sức mạnh tương lai của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo nhiều hướng khác nhau. Có một kịch bản, theo đó các quốc gia thành viên phản ứng một cách hiệu quả trước cuộc khủng hoảng nhận thức được tầm quan trọng của năng lực hành động tập thể và tăng cường cấu trực đa phương khu vực trước những thách thức sắp tới. Ở khía cạnh khác của cuộc khủng hoảng là hậu quả xảy ra khi đại dịch làm kiệt quệ ngân sách các nước thành viên, làm suy yếu sự ủng hộ chính trị đối với các sáng kiến đa phương và báo trước một kỷ nguyên bất ổn trong khu vực.

Ở các quốc gia Đông Nam Á, nơi mà sự hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc hay Mỹ đều có vấn đề về mặt chính trị, thì việc hợp tác với các quốc gia Bộ tứ khác tỏ ra là một lựa chọn thay thế đáng hoàn nghênh.

Hải quân Ấn Độ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên boong chiến hạm INS Shivalik tại cảng Sasbo trong khuôn khổ cuộc tập trận Malabar 2014.

Tất nhiên, sự cạnh tranh địa chính trị không đơn giản chỉ là một trò chơi rủi ro và đại dịch COVID-19 có khả năng làm thay đổi gần như mọi nhân tố tạo nên bối cảnh khu vực. Cán cân quân sự là một phần của bài toán này. Tuy nhiên, trong khi thiệt hại kinh tế của đại dịch tạo ra động lực cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa các thành viên Bộ tứ ngoài Mỹ, cuộc khủng hoảng cũng sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho Bộ tứ trong việc đạt mức chỉ tiêu quân sự cần thiết cho việc phô trương sức mạnh ở những vùng biển xa.

Quốc gia thành viên Bộ tứ ngoài Mỹ có khả năng nhất để thực hiện điều này về lâu dài là Nhật Bản. Hiện lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) là lực lượng hỗ trợ tuyệt vời có khả năng tác chiến ở khu vực gần với sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ. Để đảm nhận vai trò này, Nhật Bản sẽ cần phải tái định hướng một cách mạnh mẽ các ưu tiên mua sắm và cơ cấu lực lượng, loại bỏ các ràng buộc pháp lý cứng nhắc và tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Và chắc chắn điều này sẽ không thể chỉ trong một sớm một chiều.

Thực tế cho thấy vẫn là vấn đề cố hữu của một liên minh không tập trung, đó là hậu quả của việc không có sự lãnh đạo mạnh mẽ. Các lợi ích chiến lược giữa các đối tác liên minh dễ dàng đi theo những định hướng khác nhau, dễ tạo điều kiện cho một thế lực đối địch khai thác các rạn nứt, nhất là một đối thủ có khả năng gây sức ép trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế hay không gian mạng.

Sự thể hiện tình đoàn kết chỉ mang tính biểu tượng mà không được hỗ trợ bởi khả năng sẵn sàng hành động tập thể trên thực tế không phải là sự răn đe ngăn chặn. Chẳng hạn như nếu Ấn Độ nghĩ rằng Nhật Bản, Australia và kể cả Mỹ không đủ sức giúp nước này giành chiến thắng trong một cuộc xung đột với đối thủ của họ, thì New Dehli sẽ có nhiều lý do để hạn chế căng thẳng với đối thủ đó hoặc có thể giới hạn việc hợp tác quân sự với các thành viên Bộ tứ ở mức sao cho không gây ra một sự trả đũa quyết liệt của đối thủ đó.

Những vấn đề trên cho thấy, tương lai của nhóm Bộ tứ chủ yếu phụ thuộc vào Mỹ - thành viên quyền lực nhất và đối thủ của họ trong khu vực. Kinh tế rơi vào suy thoái sẽ gây nên sức ép rất lớn buộc Mỹ phải phân phối lại chi tiêu. Trong bối cảnh đó, quân đội Mỹ càng căng ra nhiều nơi thì càng giảm khả năng hỗ trợ các thành viên khác, các đồng minh và bạn bè trong khu vực sẽ càng cảm thấy lo ngại nếu như họ thực sự phụ thuộc vào cam kết quốc phòng của Mỹ.

Câu chuyện từ Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Philippines là những ví dụ cụ thể của sự rạn nứt này. Mỹ đang gặp phải một vấn đề lớn, đó là mối quan ngại của khu vực về khả năng tiếp tục cung cấp lợi ích công cộng của mình. Những quan ngại này ngày càng gia tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.

Kể từ Chiến tranh thế giới 2, vai trò đảm bảo sự lưu thông của các tuyến đường biển, sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc và khả năng vô song trong việc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn cầu khi đối mặt với thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa chung đã trở thành nguồn lực to lớn tạo nên sức mạnh Mỹ.

Điểm nổi bật trong cách tiếp cận của nước này là tập trung xây dựng các hệ thống, chẳng hạn như đưa ra các quy tắc và lợi ích tương đối rõ ràng và mời gọi các nước tham gia. Những hệ thống này mang lại cho các quốc gia cảm giác chắc chắn và ổn định, mở rộng ảnh hưởng của Mỹ và thúc đẩy các lợi ích của nước Mỹ về lâu dài.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1855
Quay lên trên