'Đốm lửa' mới trong mối quan hệ đầy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc

Cập nhật: 04-06-2020 | 15:18:30

China Eastern Airlines là một trong số bốn hãng hàng không Trung Quốc bị đình chỉ đến và đi từ Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một gia tăng trong thời gian gần đây liên quan tới Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, cuộc khủng hoảng COVID-19 và vấn đề Hong Kong, giới quan sát càng quan ngại rằng tình hình sẽ còn “tăng nhiệt” hơn nữa sau những động thái trả đũa mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến nối lại các hoạt động chở khách bằng đường không giữa hai nước.

Dù tình hình đã phần nào dịu bớt khi Bắc Kinh đã “xuống thang” với việc cho phép các hãng hàng không quốc tế mở lại hoạt động khai thác các chuyến bay tới đai lục, không ai có thể chắc chắn “đốm lửa” này sẽ không bùng lên trong tương lai.

Những động thái “ăn miếng trả miếng”

Chính phủ Mỹ ngày 3/6 đã yêu cầu đình chỉ các chuyến bay do 4 hãng hàng không Trung Quốc gồm Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines và Xiamen Airlines vận hành đến và đi từ quốc gia này.

Trong thông báo mới đưa ra, Bộ Giao thông Mỹ (DOT) nêu rõ hai hãng hàng không Mỹ là United Airlines và Delta Air Lines đã đề nghị nối lại các dịch vụ vận tải hành khách đến và đi từ Trung Quốc từ ngày 1/6.

Yêu cầu được đưa ra sau thời gian hai hãng bị gián đoạn hoạt động vì các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 giữa hai nước.

Song theo DOT, phía Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận song phương về dịch vụ hàng không do không đáp ứng yêu cầu của Delta Air Lines và United Air Lines.

DOT cáo buộc Trung Quốc đã ngăn chặn không công bằng việc nối lại dịch vụ tại nước này của hai hãng hàng không trên.

Hồi cuối tháng Ba, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết các hãng hàng không nước này có thể duy trì một chuyến bay chở khách trên một tuyến bay đến bất kỳ quốc gia nào. Song các hãng hàng không thể khai thác nhiều hơn số chuyến bay họ đã đăng ký vào ngày 12/3.

Nhưng do các hãng hàng không chở khách của Mỹ đã dừng tất cả các tuyến bay vào ngày 12/3, nên họ không thể tiếp tục bay sang Trung Quốc.

DOT cho rằng yêu cầu của phía Bắc Kinh đã ngăn chặn các hãng hàng không Mỹ khôi phục các chuyến bay chở khách theo lịch trình đến và đi từ Trung Quốc, trong khi các hãng hàng không của quốc gia hơn 1 tỷ dân này vẫn có thể duy trì hoạt động chở khách theo lịch trình đến và đi từ các thị trường nước ngoài khác, bao gồm cả Mỹ.

Thông báo của DOT cũng nêu rõ yêu cầu đình chỉ chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 16/6, nhưng có thể sẽ được triển khai sớm hơn nếu Tổng thống Donald Trump yêu cầu.

Ngay sau đó vào ngày 4/6, CAAC ra thông báo cho biết các hãng hàng không nước ngoài đủ điều kiện nhưng đang bị cấm thực hiện các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục sẽ được phép bay mỗi tuần một chuyến tới thành phố mà họ chọn bắt đầu vào ngày 8/6.

CAAC cũng cho biết tất cả các hãng hàng không sẽ được phép tăng số chuyến bay quốc tế liên quan đến Trung Quốc lên hai chuyến mỗi tuần, nếu trong ba tuần liên tiếp không có hành khách nào trên chuyến bay của họ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Hiện Delta Air Lines đang tìm cách khởi động lại các chuyến bay trên tuyến Detroit-Thượng Hải và Seattle-Thượng Hải vào ngày 11/6, cả hai tuyến này đều quá cảnh ở Seoul (Hàn Quốc).

United cũng có kế hoạch nối lại ba tuyến bay đến Trung Quốc sớm nhất là trong tháng này, bao gồm tuyến San Francisco tới Bắc Kinh và Thượng Hải, cùng tuyến Newark (bang New Jersey) tới Thượng Hải.

Triển vọng bấp bênh

Dù phía Bắc Kinh đã nhanh chóng đưa ra động thái “xuống thang,” giới quan sát vẫn còn khá băn khoăn về hướng phát triển tiếp theo của căng thẳng Mỹ-Trung liên quan đến ngành hàng không giữa hai nước.

Tuy lệnh cấm của DOT hiện chỉ áp dụng cho các chuyến bay chở khách, nhưng không rõ liệu Bộ này có thể mở rộng lệnh này cho cả những hoạt động vận tải hàng không đang phát triển giữa Mỹ và Trung Quốc hay không.

Các hãng vận chuyển hàng hóa như FedEx Corp và United Parcel Service Inc. (UPS) đã phải tăng cường hoạt động tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu về vật tư y tế và các thiết bị khác.

Đồng thời, một số hãng hàng không chở khách của Mỹ đã bắt đầu chở hàng hóa trong các máy bay chở khách bị trống khi họ chật vật tìm cách tạo nguồn thu trong thời kỳ suy thoái do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ đã tăng mạnh khi thị trường chứng khoán đồng loạt đi lên và có tín hiệu cho thấy nhu cầu đi lại đang bắt đầu hồi phục.

Cổ phiếu của nhà sản xuất máy bay Boeing cũng tăng 13% trong phiên 3/6 nhờ một báo cáo từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo nhu cầu hàng không trên toàn cầu sẽ phục hồi sau khi rơi xuống đến mức thấp kỷ lục vào tháng Tư.

Tuy nhiên, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đã làm tăng thêm rủi ro và sự không chắc chắn cho các mẫu máy bay 737 MAX và 787 Dreamliner của Boeing.

Hai dòng máy bay này đếu đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phục hồi của Boeing sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới.

Theo nhà phân tích George Ferguson của Bloomberg Intelligence, Boeing có thể trở thành một quân cờ trong cuộc đấu trí giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới hoạt động hàng không.

Đối với nhà sản xuất máy bay, doanh số bán cho các hãng hàng không Trung Quốc chiếm một phần khá lớn trong số đơn hàng chưa giao của họ.

Sự không chắc chắn trong Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 khiến triển vọng của các đơn đặt hàng tiềm năng từ Trung Quốc đối với Boeing càng mờ mịt hơn.

Những đơn hàng này, nếu được thực thi, sẽ giúp Boeing hạn chế cắt giảm hoạt động sản xuất máy bay sâu hơn nữa.

Các hãng hàng không Trung Quốc, vốn hồi phục sau đại dịch trước các đồng nghiệp ở Mỹ và châu Âu, cũng có thể tạo sự thúc đẩy rất cần thiết cho dòng máy bay MAX bán chạy nhất của Boeing khi các lệnh cấm bay trên toàn cầu được dỡ bỏ.

Ông Ferguson lưu ý rằng các nhà hoạch định trung ương Trung Quốc, những người kiểm soát việc mua máy bay của đất nước, thường tìm cách cân bằng các đơn đặt hàng giữa Boeing và Airbus để đạt được các thỏa thuận tốt hơn với các nhà sản xuất.

Nhưng dù Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của dòng máy bay 737 trước khi ông Trump đắc cử vị trí Tổng thống Mỹ, đơn đặt hàng gần nhất cho dòng máy bay trên từ các hãng hàng không nước này là vào tháng 9/2016, theo thông tin từ trang web của Boeing.

Trung Quốc chưa mua bất kỳ máy bay nào từ nhà sản xuất Mỹ trong hai năm rưỡi qua./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2514
Quay lên trên