Theo dữ liệu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2022, Bình Dương đứng thứ ba trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng (CSHT) tốt nhất Việt Nam. Mặc dù không được đưa vào tính toán và xếp hạng chỉ số PCI, nhưng đây là chỉ số cung cấp thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp (DN) và các nhà đầu tư trong quyết định lựa chọn môi trường đầu tư.
Cơ sở hạ tầng ở Top đầu
Chỉ số CSHT không được đưa vào để tính toán chỉ số PCI, đây là một thiệt thòi cho Bình Dương. Trước đó, từ năm 2015-2021, Bình Dương luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số chất lượng CSHT. Năm 2022, Bình Dương vẫn trong Top 3, cùng với Quảng Ninh và TP.Hồ Chí Minh.
Chỉ số CSHT dựa trên việc thu thập kếp hợp nguồn thông tin chính thức của các cơ quan Nhà nước và nguồn thông tin từ khảo sát DN về chất lượng CSHT. Những địa phương được các DN đánh giá cao về chất lượng điều hành kinh tế cũng là những nơi có chất lượng CSHT tốt hơn. Chỉ số CSHT là nguồn dữ liệu tổng hợp, phản ánh đánh giá về chất lượng 4 lĩnh vực hạ tầng cơ bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đó là các khu, cụm công nghiệp; đường giao thông; các dịch vụ tiện ích cơ bản về viễn thông, năng lượng; tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, đây cũng là nguồn thông tin tham khảo rất hữu ích đối với các DN cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Bình Dương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Trong ảnh: Hạ tầng các khu công nghiệp của Bình Dương đáp ứng tốt nhu cầu nhà đầu tư
Nói về lý do Tập đoàn LEGO chọn Bình Dương để đặt nhà máy sản xuất, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH LEGO Manufacturing Việt Nam, cho biết ở phía Nam Việt Nam có nhiều địa phương có vị trí, điều kiện tương tự Bình Dương nhưng bản thân tỉnh có lợi thế nhất định nổi trội hơn so với các tỉnh, thành khác. Một trong những lợi thế đó là Bình Dương đã xây dựng được hệ thống CSHT rất phù hợp cho hoạt động sản xuất công nghệ cao, bao gồm hệ thống hỗ trợ giảm thiểu chất thải cũng như trường học cho con em của công nhân, nhà ở xã hội. Việc này rất quan trọng và đó sẽ là một hệ sinh thái phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn LEGO cũng như nhiều nhà đầu tư khác.
Tăng sức hấp dẫn
Mặc dù chịu nhiều khó khăn và những thách thức đa chiều, nhưng năm 2022 dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Bình Dương với hơn 3 tỷ đô la Mỹ. Trong quý I-2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 437,7 triệu đô la Mỹ. Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Bình Dương vẫn là điểm đến trong thu hút vốn FDI. Điều này cho thấy, ngoài môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) và hạ tầng giao thông kết nối của Bình Dương đang ngày càng phát huy lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư, mở rộng nhà máy, phân xưởng, duy trì chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng, thông thoáng, cùng những cơ chế chính sách ưu đãi, các KCN của tỉnh tiếp tục tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh. Theo ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, Bình Dương hiện có 29 KCN với tổng diện tích hơn 12.660 ha và đã đưa vào hoạt động 27 KCN, với tỷ lệ lấp đầy trên 91,28%. Trong quý I-2023, hầu hết DN trong các KCN hoạt động ổn định. Các KCN hiện hữu và các KCN mới đang có nhiều giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển CSHT, từng bước hình thành lớp thứ nhất trong đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Thực hiện quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các thủ tục đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cải tạo Quốc lộ 13, cầu Bạch Đằng 2, tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng... để tăng tính kết nối giao thông liên vùng. Nghiên cứu, phát triển giao thông đường thủy, các cụm cảng, đường sắt và logistics thông minh để giảm áp lực các tuyến đường bộ.
Về hạ tầng, bên cạnh hai trục kinh tế động lực Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến giao thông kết nối liên vùng như Quốc lộ 14, đường Vành đai 4, tỉnh đang xúc tiến đầu tư thêm nhiều công trình trọng điểm ở khu vực phía bắc. Đáng chú ý là tuyến cao tốc Đức Hòa - Chơn Thành khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 22 và đường Xuyên Á tạo thành trục động lực phát triển kinh tế thứ ba của Bình Dương, kéo dài xuyên suốt từ Bình Phước xuống TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia; tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn đón đầu sân bay quốc tế Long Thành chính là bước chuẩn bị chu đáo trong việc thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh.
Hiện nay, Bình Dương được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu và có nhiều thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, tiếp tục đóng góp quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
NGỌC THANH