Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH MTV:

Đóng góp vào tiến trình phát triển của Bình Dương

Cập nhật: 30-06-2016 | 07:46:19

Xí nghiệp Sản xuất 3-2, tiền thân của Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH MTV (gọi tắt là Tổng Công ty 3-2), được thành lập năm 1982 với nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người dân địa phương. Bằng tinh thần khởi nghiệp dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm cùng số vốn ban đầu là “hai bàn tay trắng”, xí nghiệp đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu của tỉnh, đóng góp quan trọng vào quá trình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Ông Trần Văn Nam (thứ năm từ trái qua), Chủ tịch UBND tỉnh (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy) thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng cho các cá nhân xuất sắc của Tổng Công ty 3-2 vào đầu năm 2015 Ảnh: DUY CHÍ

Rèn luyện tinh thần khởi nghiệp

Vào thời điểm Xí nghiệp Sản xuất 3-2 mới thành lập, là cán bộ trẻ, ông Nguyễn Văn Minh (nay là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2) được giao nhiệm vụ thành lập và tổ chức sản xuất dép xốp xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, theo hạn ngạch đã được phân bổ. Ông Huỳnh Công Phát, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2, một trong những thành viên ban đầu của xí nghiệp nhớ lại, công việc đầu tiên của lãnh đạo xí nghiệp là tìm thầy học nghề, học sản xuất, kinh doanh. Đích thân anh Minh phải lặn lội xuống Chợ Lớn (TP.Hồ Chí Minh) tìm kiếm thợ giỏi nhiều kinh nghiệm trong nghề sản xuất dép xốp để mời về Bình Dương vận hành xí nghiệp. Không có vốn để mua nguyên liệu, lãnh đạo xí nghiệp phải đứng ra nhờ tỉnh bảo lãnh để vay mượn 4 triệu đồng từ Tiền Giang về để làm vốn rồi trả lại bằng sản phẩm.

Công việc sản xuất, xuất khẩu của xí nghiệp vừa tốt lên thì thị trường có dấu hiệu không tốt do ảnh hưởng tình hình chính trị tại Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhờ bước ra bên ngoài làm ăn, lãnh đạo xí nghiệp đã thấy được cơ hội khởi nghiệp cũng như xác định thế mạnh phát triển của đơn vị là sản xuất và xuất khẩu, từ đó bắt đầu tìm kiếm, nắm bắt thông tin để chuyển hướng sang thị trường mới. Nhưng không ngờ, tình hình diễn biến rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn thị trường, vốn liếng, sản xuất của xí nghiệp gần như mất hết do Liên Xô cùng các nước Đông Âu sụp đổ, kéo theo lao động dư thừa, mất việc làm… Trong hoàn cảnh đó, nhờ có đất, xí nghiệp xin chủ trương chuyển hướng sang vừa trồng cà phê, tiêu để xuất khẩu vừa tổ chức sản xuất đũa tre, tôn lợp từ phế liệu sẵn có tại địa phương… nhằm giải quyết số lao động bị mất việc do sản xuất đình trệ. Mặt khác, xí nghiệp cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm may gia công, rồi mời chuyên gia về Bình Dương thành lập công ty, tổ chức dây chuyền gia công hàng may mặc cho Hàn Quốc. Thời điểm đó lương cho chuyên gia nước ngoài rất cao và phải bảo đảm chỗ ăn, nghỉ, đưa rước rất tốn kém. Với quyết tâm đứng vững và phát triển trong điều kiện khó khăn, lãnh đạo công ty luôn quán triệt tinh thần: “Trả lương cao để anh em được học tập và làm việc chuyên nghiệp hơn. Nhờ đó, hoạt động may mặc phát triển tốt đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Giai đoạn khởi nghiệp không chỉ cần tinh thần mà còn phải có nghị lực, tình đoàn kết và hơn thế nữa là khi đã vượt qua khó khăn thì đừng bao giờ hài lòng với những gì mình có để tiếp tục lớn mạnh, phát triển”, ông Phát nhấn mạnh.

Từ chỗ gia công hoàn toàn, đến nay Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương (công ty con của Tổng Công ty 3-2) đã vươn lên trở thành doanh nghiệp FOB (may theo mẫu) hàng đầu trong ngành may mặc Việt Nam Ảnh: DUY CHÍ

Nhiều đóng góp

Ngành may gia công, sản xuất, xuất khẩu phát triển đã góp phần quan trọng để tỉnh nhà có điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, hàng loạt nhà đầu tư lớn đã mang vốn, công nghệ vào Bình Dương làm ăn lâu dài trên rất nhiều lĩnh vực. Riêng Tổng Công ty 3-2 là doanh nghiệp đầu tiên của cả nước đã mạnh dạn đầu tư sân golf, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Nhờ có tinh thần khởi nghiệp, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến năm 1997, Tổng Công ty 3-2 đã phát triển thành doanh nghiệp đa ngành, đa lãnh vực, có nhiều đóng góp quan trọng vào ngân sách, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Bước sang giai đoạn phát triển mới, ngoài việc quan tâm đổi mới công nghệ, chuyển hướng mạnh từ gia công sang sản xuất, xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tổng công ty còn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ kế thừa, đủ sức dẫn dắt doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong giai đoạn nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới.

Ông Huỳnh Công Phát cho biết, là doanh nghiệp Nhà nước, Tổng Công ty 3-2 cũng phải sản xuất, kinh doanh và chịu sự cạnh tranh từ thị trường. Công ty vẫn phải đi tiếp thị, tìm kiếm thị trường và phải bảo đảm chất lượng sản phẩm thì khách hàng mới chấp nhận. Có được như vậy là nhờ ý chí và mục tiêu chiến lược mà người đứng đầu doanh nghiệp đã tạo dựng, điều hành và định hướng phát triển cho từng giai đoạn, từng thời điểm. Cũng cần nói thêm, sản xuất, kinh doanh hiệu quả mà tinh thần tuân thủ pháp luật kém cũng rất khó để phát triển. Nhờ tuân thủ pháp luật, làm tốt trách nhiệm với cộng đồng, quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa, tổng công ty đã và đang gặp nhiều thuận lợi trong quá trình phát triển.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2 chia sẻ: “Doanh nghiệp nào cũng từ từ lớn mạnh từ những mảng nhỏ của thị trường. Làm tốt những việc nhỏ chúng ta sẽ bắt gặp cơ hội lớn phía trước. Cụ thể, khi khởi đầu sản xuất, chúng tôi gia công cho nước ngoài và phải chịu sự kiểm tra, quản lý rất nghiêm ngặt. Việc này hoàn toàn tốt nếu chúng ta có ý chí cầu tiến và khi đã tạo dựng được niềm tin thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trong chiến lược phát triển không phải chúng tôi lúc nào cũng đúng, cũng thắng lợi. Ví dụ, dự án mà chúng tôi liên doanh với phía doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu gỗ tròn bị thất bại do Nhà nước cấm xuất khẩu loại gỗ này. Sau đó, chúng tôi thống nhất chuyển qua gia công, sản xuất để tăng giá trị của sản phẩm theo chủ trương của Nhà nước. Một giá trị quan trọng khác làm nên thương hiệu 3-2 là tình đoàn kết. Nhờ có đoàn kết mà chúng tôi vượt qua tất cả và trưởng thành hơn nhờ khát vọng vươn lên và không tự mãn với thành công của mình”.

 

 DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên