Đồng vốn nhỏ, hiệu quả lớn

Cập nhật: 16-07-2013 | 00:00:00

 Bà Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch Hội NM tỉnh chia sẻ: Do bị khuyết tật bản thân nên đa số NM ít được học hành, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, NM vẫn còn sức khỏe và khả năng lao động, họ luôn mong muốn có việc làm, thu nhập để cải thiện đời sống và hòa nhập cộng đồng. Bài toán giải quyết việc làm cho NM luôn là trăn trở của những người làm công tác hội. Vì vậy, khi có chương trình vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Hội NM tỉnh tích cực tham gia và đã đem lại niềm vui cho NM.

Tuy số tiền vay không lớn nhưng nó là phao cứu sinh giúp nhiều NM có điều kiện vươn lên. Điển hình như gia đình ông Vân Quang Phi Hùng ở xã Hòa Lợi (Bến Cát) khá lên từ những đồng vốn nghĩa tình này. Giờ đây ông đã có cuộc sống ổn định, có vườn cao su, xây được nhà mới; các điển hình khác như ông Châu Văn Hùng ở phường An Thạnh (TX.Thuận An), ông Lê Văn An ở phường Phú Mỹ (TP.TDM)… vươn lên ổn định cuộc sống từ nguồn vốn này.  

Sản xuất tăm tre, mô hình mới góp phần tăng thu nhập cho người mù

Theo bà Khuyên, tiêu chí để vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm phải do chính NM đứng tên và trực tiếp sử dụng cùng với các thành viên trong gia đình, NM phải được hưởng lợi từ vốn vay mang lại. Điều đáng mừng là nhờ nguồn vốn vay này mà đời sống NM và gia đình NM được cải thiện và nâng lên đáng kể. NM có việc làm, có thu nhập từ chính công sức của mình. Đặc biệt, 100% số hộ được vay vốn của hội đều có tích lũy, xây được nhà mới. Từ nguồn vay này, ngoài việc giải quyết việc làm cho NM còn thu hút những lao động khác, góp phần cùng Nhà nước giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Không chỉ hỗ trợ vốn, thời gian qua, Hội NM tỉnh còn quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Một trong những thành công của chương trình này là dạy nghề và tạo việc làm cho NM. Hiện hội có 5 cơ sở xoa bóp do hội tổ chức và quản lý; 1 cơ sở sản xuất tăm tre; cơ sở sản xuất chổi Phú Lợi và các tổ, nhóm sản xuất chổi tập trung. Thu nhập trung bình của NM khoảng 2 triệu đồng/ người/tháng.

Nhờ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm nên giờ đây, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hồng và anh Nguyễn Văn Hai đã có của ăn của để. Từ hai bàn tay trắng, anh chị đã tích góp mua được đất, cất được nhà và mấy phòng trọ. Hiện tại, ngoài căn nhà 30m2, anh chị còn có 3 phòng trọ cho thu nhập 1 triệu đồng/tháng. Hiện tại, chỉ tính riêng tiền làm chổi hai vợ chồng cũng thu được trên dưới 1 triệu đồng/tháng, cộng thêm nghề làm tăm buổi tối, bảo đảm cho thu nhập ổn định.

Không chỉ lo cái ăn, Hội NM tỉnh còn lo chỗ ở để NM an cư lạc nghiệp. Hiện nay, cơ bản không còn NM khó khăn về nhà ở. Chỉ tính năm 2012, Hội NM tỉnh đã vận động xây tặng 3 căn nhà đại đoàn kết với số tiền gần 80 triệu đồng. Tính từ năm 1993 đến tháng 6-2013, Hội NM tỉnh đã xây dựng được 170 dự án, giải quyết cho 1.896 lượt hội viên và NM vay vốn và 3 dự án cho cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung trực thuộc các cấp hội vay với số vốn trên 6,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn gốc do Trung ương hội phẩn bổ trên 1 tỷ đồng, vốn do UBND tỉnh phân bổ 550 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên đã đầu tư vào sản xuất hoa màu, chăm sóc cao su, cây ăn trái, buôn bán nhỏ… Điều đáng mừng là 100% đều hoàn trả vốn gốc và lãi đúng hạn cho Nhà nước.

Ông Trần Văn Bảo (xã An Lập, Dầu Tiếng): Tôi đã nuôi 2 con học hành tử tế

Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Tôi bị mù không có việc làm, vợ đi làm mướn nuôi cả gia đình. Nhà có đất, tôi muốn chăn nuôi nhưng không có tiền, trong gia đình tôi ai cũng khó khăn như nhau nên không giúp được gì. Người ngoài thì họ ngại cho gia đình NM mượn tiền vì sợ không có khả năng trả. Trong lúc khó khăn đó, tôi được Hội NM cho vay 1 triệu đồng mua 2 con heo thịt; sau 4 tháng, tôi bán 2 con đó rồi tiếp tục nuôi 4 con, 6 con…, cứ như vậy số lượng đàn heo tăng dần. Khi ấy nhờ thời tiết tốt, giá cả ổn định nên gia đình tôi dần có thu nhập; không dừng lại ở đó, tôi tiếp tục vay vốn đầu tư trồng 1 ha cao su. Hiện thu nhập của gia đình tôi mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, nhưng điều đáng quý nhất chính là từ những đồng vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm mà tôi nuôi 2 đứa con ăn học đàng hoàng. Đứa lớn đã có gia đình riêng, cuộc sống ổn định; đứa nhỏ là cô giáo cấp II, đang tiếp tục học đại học.

Anh Lê Xuân Trung (xã Phước Hòa, Phú Giáo): Chịu khó làm ăn sẽ thoát cảnh khó khăn

Năm 1998, khi ấy 17 tuổi, tôi bị mù và bị cụt 1/3 cánh tay trái do bị mìn nổ khi đang làm cỏ cao su thuê. Từ đó mọi thứ sinh hoạt trở nên vô cùng khó khăn. Tôi là NM không nghề nghiệp, không thích hợp với những việc làm sáng mắt ở địa phương. Vợ tôi cũng bị mù, mặc dù được cha mẹ hỗ trợ, tôi cũng đi bán vé số và trồng thêm rau màu nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.

Năm 2000, tôi quyết định tìm đến Hội NM tỉnh để học chữ, học nghề bó chổi để mong có cái nghề ổn định cuộc sống. Khi Hội NM huyện Phú Giáo thành lập, tôi về gia nhập hội. Thông qua Hội NM huyện Phú Giáo tôi được xét vay vốn. Ban đầu, tôi nuôi heo thịt, sau đó vay vốn trồng cao su. Đến năm 2010, tôi vay 10 triệu đồng để mở cơ sở sản xuất và kinh doanh chổi tại gia đình bán cho người dân và nông trường. Chỉ tính năm 2012, tôi đã sản xuất và bán được 7.000 cây chổi bông cỏ, chổi dừa với mức thu nhập 40 triệu đồng. Rồi tôi còn nuôi thêm 300 chim cút lấy trứng…

Sau 10 năm vay vốn và sự nỗ lực vươn lên của bản thân, kinh tế gia đình tôi được cải thiện; tôi còn được Nhà nước tặng nhà đại đoàn kết, nhận trợ cấp thường xuyên.

TIỂU LIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=304
Quay lên trên