Dừng để tiến!

Cập nhật: 07-03-2012 | 00:00:00

Quyết định tạm dừng thành lập mới khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (KCN, KCX, KKT) mới đây của Thủ tướng Chính phủ để rà soát lại những mặt được, chưa được nhằm có hướng điều chỉnh phù hợp hơn là rất cần thiết. Mặc dù quyết định là hơi chậm, nhưng vẫn còn kịp lúc!

20 năm xây dựng và phát triển KCN, KCX, KKT nhìn lại cho thấy, hệ thống này đã được hình thành trên hầu hết trên các tỉnh, thành trong cả nước. KCN, KCX, KKT đã đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được vẫn còn những tồn tại hạn chế. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thì quá trình xây dựng và phát triển KCN, KCX trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, như: Công tác xây dựng và triển khai quy hoạch KCN, KCX chưa tốt; cơ chế, chính sách pháp luật liên quan tới KCN, KCX còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả...

Đó là thực tế, là minh chứng của 20 năm tồn tại và phát triển hệ thống này. Còn nhớ, có một giai đoạn các địa phương đua nhau làm KCN mà quên đi lợi thế của địa phương mình là gì. Đất nông nghiệp được san lấp để làm công nghiệp gây nên lãng phí lớn, diện tích trồng lúa bị thu hẹp ảnh hưởng đến nguy cơ về an ninh lương thực, trong khi nông nghiệp là một lợi thế. Do không định hướng được, nên cứ nhìn thấy địa phương khác giàu lên nhanh chóng nhờ công nghiệp thì mình cũng mở KCN, mà đáng lẽ tiền đó nên dành cho việc nghiên cứu và ứng dụng lợi thế cạnh tranh trong nông nghiệp, nâng cao năng lực cho sản phẩm nông nghiệp. Báo chí đã phản ánh, Quốc hội cũng đã lên tiếng về vấn đề này, 20 năm nhìn lại thì được nhiều, nhưng mất cũng nhiều! Nếu có chiến lược phát triển hợp lý chắc chắn hiệu quả sẽ còn cao hơn. Cái cao hơn ở đây không hẳn là nhiều KCN ra đời mà là hiệu quả mang lại từ những KCN đó tốt hơn, ít ô nhiễm hơn, quy hoạch bài bản hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn, tránh lãng phí hơn về đất đai, tài nguyên...

Lợi thế của Bình Dương là vị trí địa lý, thổ nhưỡng... nên việc phát triển KCN trong thời gian qua được đánh giá là hiệu quả. Vì thế, trong một thời gian dài cũng có không ít các đoàn quan chức của những tỉnh, thành khác đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, trong đó có nhiều tỉnh thuộc khu vực vựa lúa số một của Việt Nam. Hệ quả, nhiều KCN mở ra thiếu vắng nhà đầu tư hoặc có cũng không chất lượng, thu hút đầu tư bằng mọi giá, kéo theo môi trường bị ảnh hưởng nặng nề. Nói “râu ông này cắm cằm bà kia” ở đây cũng có phần đúng, bởi làm theo nhưng cứng nhắc, thiếu tư duy sáng tạo, cứ nghĩ phát triển KCN là giàu, áp dụng mà không vận dụng... để phù hợp với địa phương mình, lợi thế của mình. Ở cấp độ vĩ mô cũng chậm có quy hoạch vùng, nên chậm điều tiết, chậm khắc phục...

Chính vì vậy, quyết định tạm dừng phát triển KCN, KCX, KKT để có hướng đi mới, từng bước khắc phục những nhược điểm nói trên là cần thiết.

KỲ TÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=276
Quay lên trên