Nhóm các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm của giáo sư Yasamin Mostofi , Đại học California đã tìm được cách tận dụng tín hiệu wifi để đếm số lượng người qua lại trong 1 khu vực cụ thể ngay cả khi họ không mang theo bất cứ thiết bị Wifi nào.
Công nghệ này có thể được áp dụng nhằm xác định số lượng người trong một tòa nhà, sau đó tự động điều chỉnh hiệu suất hoạt động thiết bị khác cho phù hợp (như máy lạnh chẳng hạn). Hơn nữa, đây còn là một công cụ hữu hiệu giúp quá trình tìm kiếm, cứu nạn sau thảm họa, thiên tai được hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Hồi cuối năm ngoái, nhóm này đã phát triển thành công kỹ thuật dùng sóng wifi để "nhìn xuyên tường". Cách làm là dùng cặp robot đi dọc theo chu vi của công trình và liên tục truyền nhận tín hiệu wifi để quét đối tượng. Sau đó dựa vào sự khác biệt về cường độ giữa tín hiệu phát đi và nhận về, hệ thống sẽ lập mô hình truyền sóng, từ đó hình thành nên bản đồ cấu trúc của không gian bên trong công trình. Về cơ bản thì kỹ thuật đếm người lần này tương tự như cách dùng wifi để nhìn xuyên tường. Nhưng thay vì xác định các đối tượng trong một cấu trúc có tường bao quanh, hệ thống lần này sẽ dựa vào sự thay đổi cường độ tín hiệu wifi gửi - nhận để ước tính có bao nhiêu người đi bộ qua một khu vực nhất định.
Trong quá trình thử nghiệm công nghệ mới, các nhà nghiên cứu dùng 2 card wifi đặt vào 2 đầu của 1 khu vực rộng khoảng 70 mét vuông. Bằng cách đo lường cường độ tín hiệu thu phát giữa 2 card, họ có thể ước tính số lượng người đi bộ qua khu vực đó bằng mô hình toán học xác suất. Kết quả tính toán chủ yếu phụ thuộc vào 2 điểm: sự suy giảm của tín hiệu khi 1 người đi dọc theo đường nối giữa 2 card wifi, và sự tán xạ của tín hiệu phản xạ trở về card thu khi người đó không đi theo đường nối giữa 2 card.Nói cách khác, trong trường hợp đó thì tín hiệu sẽ bị suy giảm theo nhiều hướng khác nhau.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thành công kỹ thuật này trong phòng thí nghiệm lẫn ngoài trời với số người qua lại là 9. Qua đó, giáo sư Mostofi cho rằng nó có thể được dùng để ước tính số người trong một tòa nhà, từ đó có thể điều chỉnh công suất hoạt động của máy lạnh hoặc máy sưởi cho phù hợp. Sắp tới, bà tiết lộ sẽ kết hợp 2 nghiên cứu lại với nhau, hình thành nên kỹ thuật vừa nhìn xuyên tường, vừa ước tính số lượng và theo dõi số người bên trong, hứa hẹn sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ tốt hơn.
Theo Tinh Tế