Trong những ngày qua, số ca mắc Covid-19 của tỉnh giảm sâu. Từ mức 6.000 ca nhiễm/ngày hồi tháng 7-2021, đến nay tỉnh chỉ ghi nhận trung bình 75 ca/ngày. Cùng với chiến lược giảm F0, tỉnh còn tiến hành lập danh sách các trường hợp có nguy cơ cao để chăm sóc, theo dõi.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm, kiểm tra hoạt động tại Trạm Y tế lưu động tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng
F0 trong cộng đồng giảm sâu
Thống kê trong hơn một tháng qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có xu hướng đi xuống rõ rệt và ổn định. Vào thời điểm đầu tháng 12- 2021, số ca mắc mới trong ngày khoảng hơn 600 ca thì đến nay tỉnh ghi nhận trung bình khoảng 50 ca/ngày. Trong khoảng 10 ngày gần đây, số ca mắc mới qua xét nghiệm PCR là 639 ca, có những ngày ghi nhận dưới 50 ca như ngày 11-1 là 25 ca, ngày 12-1 là 34 ca. Số ca mắc mới giảm, số ca khỏi bệnh, xuất viện không ngừng tăng lên với tổng số hơn 19.800 ca xuất viện trong 10 ngày qua, kể cả các trường hợp test nhanh dương tính. Số lượng F0 mới được phát hiện trong cộng đồng cũng giảm sâu, mỗi ngày ghi nhận từ 4 - 30 ca. Tỉnh không thay đổi phương án xét nghiệm tầm soát F0 nhưng số F0 vẫn đang giảm mạnh nghĩa là dịch bệnh đang giảm dần.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Trong những ngày qua, số ca mắc Covid-19 của Bình Dương giảm sâu, rơi từ đỉnh 6.000 ca mắc/ngày hồi tháng 7-2021 xuống còn trung bình 75 ca/ngày như hiện nay. Có những ngày số mắc giảm mạnh xuống còn 25 ca. Số ca mắc mới giảm, ca khỏi bệnh nhiều lên mỗi ngày, số tử vong cũng giảm. Cùng với đó, bệnh nhân khỏi bệnh gia tăng, nhiều gấp mười mấy lần số ca mắc. Những số liệu này cho thấy đến thời điểm này, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã đi đúng hướng trong công tác chống dịch”.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cũng khẳng định, kết quả này mang đến hy vọng về giai đoạn bước ngoặt của tỉnh trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Số ca nhiễm hàng ngày của tỉnh là báo cáo thực, không có chuyện lấy thành tích mà giảm xuống. Số liệu dựa vào đối tượng được phát hiện theo quy trình tầm soát người nguy cơ cao và công bố theo quy trình. Tuy nhiên, có thể vẫn còn người mắc Covid-19 nhưng không đến cơ sở y tế khai báo.
Đề cập đến nguyên nhân số ca mắc giảm sâu, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương lý giải: “Đây là tích hợp tổng thể các giải pháp khi Bình Dương quyết liệt triển khai “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh Covid-19”. Ngoài ra, người dân ở nhiều nơi cũng nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuân thủ nghiêm các hướng dẫn Bộ Y tế về đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng chất diệt khuẩn, khai báo y tế, giãn cách xã hội,... đã làm cho những nỗ lực ngăn chặn mầm bệnh nguy hiểm của tỉnh phát huy hiệu quả. Một yếu tố quan trọng nữa góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm là việc triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đại trà cho người dân, đặc biệt là những trường hợp người lớn tuổi, bệnh nền có nguy cơ chuyển nặng được triển khai hiệu quả.
Lập danh sách trường hợp có nguy cơ cao
Trong tình hình thích ứng an toàn, một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu là giảm thiểu số ca tử vong. Phân tích tình hình tử vong hiện nay tại tỉnh, số ca tử vong tập trung chủ yếu ở nhóm nguy cơ: Người có bệnh nền, người trên 50 tuổi. Trước tình hình trên, tỉnh triển khai chiến dịch tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ nhằm hướng đến mục tiêu giảm ca mắc và giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng, tử vong do Covid-19. UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương huy động nguồn lực để triển khai hiệu quả chiến dịch với 6 hoạt động trọng tâm đó là cập nhật danh sách và quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ; xét nghiệm phát hiện người mắc Covid-19 trong nhóm nguy cơ, người sống chung, cùng gia đình; tăng cường truyền thông, tư vấn về phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tiêm vắc xin, bảo đảm không bỏ sót đối tượng; điều trị F0 thuộc nhóm nguy cơ; chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ và các thành viên trong cùng gia đình.
Bác sĩ Bùi Công Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng, cho biết hiện 12 xã, thị trấn trong huyện đang triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với những người thuộc nhóm nguy cơ theo danh sách rà soát. Mỗi người sẽ được thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên 2 lần, cách nhau 3 ngày (nếu lần 1 âm tính). Huyện khuyến khích thành viên các hộ gia đình làm xét nghiệm nhanh cho người thuộc nhóm nguy cơ. Trường hợp không tự làm xét nghiệm được, trạm y tế, trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng thực hiện xét nghiệm cho người thuộc nhóm nguy cơ.
Trong khi đó, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Sau khi rà soát danh sách F0 thuộc nhóm nguy cơ, các đơn vị sẽ chuyển đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ. Bên cạnh việc chăm sóc và điều trị F0 thuộc nhóm nguy cơ, các trung tâm y tế còn khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vắc xin ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ, đặc biệt là những trường hợp gặp khó khăn trong đi lại sẽ được tiêm vắc xin tại nhà. Dự kiến cuối tháng 1-2022, các huyện, thị thành phố trong tỉnh sẽ vận động 100% người thuộc nhóm nguy cơ tiêm vắc xin đầy đủ”.
“Thực hiện chiến lược giảm F0, Bình Dương xây dựng kịch bản đánh giá nguy cơ cụ thể của từng xã, phường, thị trấn, thậm chí xây dựng kịch bản tới từng khu phố, tổ dân phố, khu ấp với phương châm “Nguy cơ đến đâu thì đáp ứng tới đó”. Bằng những giải pháp quyết liệt, đến nay, sau gần 2 tháng triển khai, toàn tỉnh có 91 xã, phường, thị trấn được chia thành 2 cấp độ dịch, giảm 1 cấp độ so với những ngày đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Hiện toàn tỉnh có khoảng 70% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn là bình thường mới (nguy cơ thấp) và còn lại là nguy cơ trung bình (màu vàng)”. (Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) |
HOÀNG LINH