Christopher Wray, Giám đốc FBI và từng là quan chức cấp cao trong Bộ Tư pháp Mỹ, vừa có buổi nói chuyện với các quan chức hành pháp và bảo vệ trẻ em ở Washington (Mỹ), sau khi Facebook đề xuất mã hoá ứng dụng tin nhắn.
Ông cho biết Facebook đang muốn tạo nên một không gian bất hợp pháp dành riêng cho những người sở hữu công ty, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ người Mỹ hay người đại diện nào của đất nước. Bên cạnh đó, việc mã hoá ứng dụng nhắn tin có thể biến nền tảng này thành nơi hoạt động lý tưởng cho những kẻ ấu dâm, lạm dụng trẻ em và giới sản xuất nội dung liên quan.
Ảnh: NYPost. |
Phát biểu của Christophre Wray tạo áp lực lên Facebook trong khi Mỹ và các chính phủ đồng minh đang nỗ lực làm suy yếu việc bảo vệ hàng tỷ nội dung tin nhắn số mà người dùng trao đổi mỗi ngày. "Chúng ta sẽ mất khả năng tìm kiếm những đứa trẻ cần được giải cứu. Chúng ta cũng mất luôn khả năng tìm ra kẻ xấu", ông Wray chỉ ra hậu quả của việc mã hoá tin nhắn.
Một quan chức khác trong Bộ Tư pháp Mỹ cũng đồng tình với ý kiến của Christopher Wray. Ông lấy Apple để làm ví dụ lên án về việc mã hoá tin nhắn. Vị quan chức cho biết năm ngoái, công ty này chỉ phát hiện được 43 vụ xâm hại trẻ em để báo lên cơ quan hành pháp.
Hiện tại, có khoảng 16 triệu trường hợp xâm hại trẻ em bị phát hiện trên Facebook. Theo vị quan chức, nếu Facebook có động thái tương tự Apple, các ca bị phát hiện sẽ giảm tới 70%.
Phó bộ trưởng Bộ Tư pháp đặt câu hỏi: "Chúng ta liệu có thể giả định rằng Apple điều hành một nền tảng nhắn tin hoàn toàn không có nạn lạm dụng trẻ em theo một cách thần kỳ nào đó không? Hay các công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin mã hoá thực sự không thấy được tác hại đang tồn tại trên những nền tảng như vậy và họ chọn cách tự che mắt mình để không phải thấy?".
Sự kiện của Bộ Tư pháp Mỹ vừa qua là một phần trong những nỗ lực đổi mới của Mỹ, Australia và Anh trong việc buộc các công ty công nghệ phải hỗ trợ chính phủ trong việc phá vỡ mã hoá bảo mật thông tin liên lạc kỹ thuật số.
Các cuộc tranh luận về mã hoá luôn sôi nổi trong suốt 25 năm qua. Tuy vậy, nỗi lo lắng của các nhà quản lý Mỹ ngày một tăng dần khi các công ty công nghệ bắt đầu hướng đến việc tự động mã hoá nội dung tin nhắn trên các nền tảng và dữ liệu trên điện thoại.
Trong quá khứ, giới chức Mỹ phản đối việc mã hoá dữ liệu với lý do liên quan đến nguy cơ khủng bố. Nhưng khi thông tin về các nhóm cực đoan cũng như khủng bồ Hồi giáo dần bớt nhận được sự quan tâm, các chính phủ lại viện cớ ngăn ngừa nạn ấu dâm để giành quyền "truy cập hợp pháp" vào dữ liệu thiết bị của cộng đồng.
William Barr, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết cơ quan này "muốn tham gia cùng các công ty tư nhân để tìm ra giải pháp". Ông cảnh báo rằng thời gian sắp hết bởi việc triển khai mã hoá đang được tăng tốc. "Tình trạng hiện tại đặc biệt nguy hiểm, không thể chấp nhận được và chỉ ngày một trở nên tệ hơn", ông nói.
Việc Facebook bắt đầu tập trung vào quyền riêng tư của người dùng gây bối rối cho giới quản lý bởi nền tảng này cung cấp thông tin cho chính quyền về hàng triệu vụ lạm dụng tình dục trẻ em mỗi năm. Để bảo vệ quyết định này, CEO Mark Zuckerberg, trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, cho biết anh rất lạc quan về việc Facebook có thể xác định được những kẻ ấu dâm ngay cả khi hệ thống đã được mã hoá, bằng cách sử dụng các công cụ họ đang áp dụng để ngăn chặn can thiệp bầu cử.
Trái ngược với các quan chức, việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật khách hàng của Facebook lại được nhiều người dùng cũng như các chuyên gia tán dương. Các học giả, chuyên gia và nhóm bảo mật lâu nay đã lo lắng về việc hàng rào bảo vệ các thông tin liên lạc riêng tư bị phá vỡ sẽ gây ra những lỗ hổng nguy hiểm, có thể khiến toàn bộ mạng Internet trở nên kém an toàn và hàng tỷ người dùng bị cưỡng ép phải chịu sự giám sát.
Daniel Castro, Phó giám đốc Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin có trụ sở tại Washington, cho biết sở dĩ các quan chức đóng khung cuộc tranh luận quanh chủ đề lạm dụng trẻ em bởi nó có tác động mạnh về mặt cảm xúc, dễ dùng để thuyết phục người nghe.
Theo VNE