Liên kết doanh nghiệp (DN) đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời kỳ hội nhập để tạo nên sức mạnh, uy tín thương hiệu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trên thị trường trong nước và quốc tế. Song vấn đề cần nhìn nhận là việc phát triển chuỗi liên kết trong các DN, ngành hàng hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết.
Việc thực hiện các chuỗi liên kết DN đang ngày càng trở nên cần thiết trong điều kiện hiện nay. Trong ảnh: Công nghệ máy móc hiện đại được giới thiệu tại Hội chợ máy móc và gỗ nguyên liệu Việt Nam 2017 được tổ chức tại Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY
Liên kết là xu thế tất yếu
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong số các DN trong nước trên địa bàn tỉnh hiện nay, đại đa số là DN nhỏ và vừa (NVV), hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, là thành viên của nhiều hiệp hội như Hiệp hội Chế biến gỗ, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Cơ điện, Hiệp hội Da giày, Hiệp hội Gốm sứ... Vấn đề tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các DN đang là một vấn đề được các ngành chức năng, lãnh đạo hiệp hội ngành hàng rất quan tâm nhằm phát triển, xây dựng thương hiệu ngành hàng, đồng thời tạo điều kiện cho các DN NVV tiếp cận những cơ hội phát triển. Có thể thấy, việc tạo ra các liên kết để phát triển từng ngành nghề có thế mạnh của tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Từ thực tế phát triển, các chuyên gia trên thế giới từng khẳng định: “Không lo DN nhỏ, chỉ lo thiếu liên kết”.
Trên thực tế, vấn đề liên kết DN đã được đưa ra ở nhiều diễn đàn, hội thảo nhưng nhìn chung, nhận thức của các DN về tầm quan trọng của việc liên kết vẫn còn hạn chế, đặc biệt là DN NVV. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, DN NVV trong nước đang gặp nhiều bất lợi do những hạn chế như phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh không cao... Kết quả khảo sát tại các hội thảo, diễn đàn thời gian qua đã chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của việc không tham gia vào chuỗi liên kết là do sự hiểu biết của DN NVV về hội nhập chưa có hệ thống; nhiều DN chưa nắm được thị trường thế giới đòi hỏi những gì, các quy định về tiêu chuẩn và chất lượng, những điều cần tránh, rủi ro pháp lý trong thương mại…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các DN đã quen với việc chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “được ăn cả ngã về không” nên chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình chứ không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng. Bên cạnh đó, việc vận động các thành viên tham gia vào chuỗi liên kết vẫn còn là khó khăn đối với các hiệp hội ngành hàng. Cùng với đó, việc điều hành của không ít hiệp hội ngành hàng vẫn còn nhiều khó khăn, cụ thể là các thành viên ít tham gia họp bàn công việc của hiệp hội, hoặc chỉ tham gia theo kiểu phong trào mà chưa nhận thức được tầm quan trọng sự lớn mạnh của hiệp hội ngành hàng mình là thành viên đối với sự phát triển của bản thân DN. Chẳng hạn, Hiệp hội May mặc Bình Dương hiện có 56 thành viên song các cuộc họp thường chỉ có khoảng 10 thành viên tham gia. Chưa kể do số lượng hội viên ít nên nguồn lực của hiệp hội, ngành hàng cũng có hạn, chưa thể trở thành tiếng nói đại diện, tạo dựng được sức mạnh tập thể nên cũng chưa tạo được uy tín với các hội viên... Từ những hạn chế này tất yếu sẽ làm giảm sự cạnh tranh của các DN ngay chính trên sân nhà.
Nhìn từ thực tế
Theo các chuyên gia, với sự tham gia vào chuỗi liên kết, các DN sẽ tạo ra quy mô cho ngành hàng của mình tại địa phương, thậm chí trong cả nước. Lợi ích cụ thể mà DN cần thấy là nguồn vốn tăng lên, việc huy động vốn dễ dàng hơn, thị trường được mở rộng...
Các chuyên gia khẳng định, Việt Nam đã và đang mở rộng quan hệ thương mại song phương và đa phương, việc thực hiện các chuỗi liên kết DN ngày càng trở nên cần thiết. Các hiệp định thương mại tự do hiện nay đều đề cấp đến vấn đề chuỗi liên kết, cụ thể như hiệp định giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu, Việt Nam - Hàn Quốc… Trong tương lai gần, nếu các DN không tích cực tham gia vào các chuỗi liên kết của ngành hàng thì họ sẽ bị bỏ lại phía sau trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Đối với sự phát triển của DN, điều quyết định vẫn là nằm trong nhận thức, sự chủ động, lộ trình thực hiện các chuỗi liên kết của DN và vai trò tiên phong, sự đồng thuận xây dựng nên thương hiệu của hiệp hội ngành hàng. |
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN NVV phát triển, như tăng cường đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN thông qua các hiệp hội, ngành hàng; tạo những điều kiện thuận lợi để DN NVV liên kết phát triển... Riêng Sở Công thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN nắm bắt thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển công nghệ hiện đại, giúp DN tiếp cận với các dự án về đổi mới phương thức quản lý sản xuất, quản lý con người; kịp thời cung cấp những văn bản có liên quan về xúc tiến thương mại; cùng với đó phối hợp với các DN tổ chức hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, lớp tập huấn phổ biến kiến thức về lộ trình thực thi, cơ hội, thách thức với DN, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho DN NVV. Sở cũng có những chương trình hỗ trợ DN, hiệp hội ngành hàng triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho DN trên địa bàn liên kết với DN lớn của các tỉnh, thành phố, đối tác nước ngoài thông qua hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế…
Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… từng có rất nhiều DN NVV song họ vẫn có những bước phát triển vượt bậc. Kinh nghiệm của họ là việc tổ chức mô hình liên kết rất bền vững thông qua hoạt động hiệu quả của các hiệp hội ngành hàng. Một DN nhỏ không có đủ để thực hiện các khâu quản lý một cách bài bản thì khi tham gia vào chuỗi liên kết các DN có điều kiện để thuê luật sư tư vấn về pháp lý, cùng làm marketing, cùng đầu tư về công nghệ… để cùng nhau phát triển.
Hiện nay, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) được đánh giá là hoạt động hiệu quả. Các thành viên trong hiệp hội thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, máy móc công nghệ, thông tin pháp luật, thương mại liên quan đến thị trường xuất nhập khẩu; cùng nhau thực hiện an sinh xã hội. Mới đây, tại Công ty Nội thất Tường Văn (huyện Bắc Tân Uyên) đã diễn ra hội thảo phát triển DN bền vững nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý. Bên cạnh đó, các thành viên trong hiệp hội đã tham gia dự án phát triển DN bền vững. Đây là một chương trình do tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) triển khai tại Việt Nam từ năm 2011, trong đó tập trung vào ngành chế biến gỗ nhằm hỗ trợ cho các DN NVV hoàn thiện cách thức quản lý nơi làm việc, cải thiện chất lượng và nâng cao năng suất. Dự án được thiết kế dành cho DN đang gặp phải những khó khăn nội bộ liên quan đến chất lượng, năng suất, ô nhiễm, sự lãng phí, sức khỏe và an toàn nơi làm việc và quản lý nhân sự, với 5 chuyên đề: Hợp tác tại nơi làm việc; quản lý chất lượng; sản xuất sạch hơn; quản lý nguồn nhân lực và an toàn vệ sinh lao động.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA, thời gian qua sự liên kết giữa các thành viên khá chặt chẽ, tạo ra hiệu quả nhất định. Trong tương lai, khi xây dựng xong khu công nghiệp tập trung cho ngành gỗ thì vấn đề thực hiện chuỗi liên kết giữa DN với nhau sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, tạo tiềm lực thúc đẩy ngành gỗ của Bình Dương phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, tạo thế và lực đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của các đối tác.
TIỂU MY