Các mô hình rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho hiệu quả kinh tế cao đối với người sản xuất và độ an toàn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay hành trình đưa sản phẩm rau an toàn từ nơi sản xuất của các hộ nông dân trong tỉnh ra chợ, đến tận tay người tiêu dùng vẫn còn là một câu chuyện dài. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này.
Một cơ sở sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát. Ảnh: T.PHƯƠNG
- Ông có nhận xét, đánh giá như thế nào về Chương trình sản xuất mở rộng và phát triển vùng sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh?
- Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Bình Dương” tại 2 địa bàn Tân Định của TX.Bến Cát và Uyên Hưng của TX.Tân Uyên. Kết quả của dự án này là đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân từ phương pháp sản xuất truyền thống sang áp dụng quy trình sản xuất mới. Theo đó, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giảm dần thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh vật, tăng sử dụng phân hữu cơ… góp phần tạo ra một lượng sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Qua đó, người nông dân đã liên kết lại để sản xuất đáp ứng được nguồn sản phẩm ổn định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Công thương làm việc với các siêu thị trên địa bàn tỉnh để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm làm ra từ dự án này.
- Một số mô hình áp dụng trên địa bàn tỉnh được chứng nhận VietGAP nhưng sau đó khó tái chứng nhận do chi phí quá cao và đầu ra cho sản phẩm rau VietGap còn gặp nhiều khó khăn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đối với những mô hình đã được chứng nhận VietGAP khi hết hạn, nếu duy trì sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật và bảo đảm các tiêu chí, điều kiện xây dựng ban đầu thì việc tái chứng nhận rất thuận lợi và chi phí thường không cao hơn so với lần chứng nhận ban đầu.
Trong sản xuất trồng trọt nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra thường phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của thị trường và sản lượng sản xuất ra. Do đó, để cho sản phẩm có đầu ra ổn định, các tổ chức, cá nhân cần phải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân cần liên kết lại để sản xuất, vì chỉ có liên kết mới có sản phẩm ổn định để ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài với các doanh nghiệp hoặc siêu thị…
- Hiện nay, nhiều người tiêu dùng chưa thể phân biệt đâu là sản phẩm VietGAP và không VietGAP. Ngành nông nghiệp có giải pháp gì giải quyết vấn đề này?
- Nhằm giúp cho người tiêu dùng sớm tiếp cận các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vận động các tổ chức, cá nhân đã đăng ký VietGAP trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm được tổ chức trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm và cung cấp những thông tin cần thiết để người tiêu dùng biết. Sở cũng đã tổ chức phiên chợ nông sản an toàn để người tiêu dùng nhận dạng và làm quen sản phẩm ATTP. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì người tiêu dùng cần phải nhận biết và lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, những cơ sở kinh doanh có thương hiệu và uy tín, không nên chọn mua những sản phẩm trôi nổi.
- Để quản lý chất lượng sản phẩm từ nhà sản xuất ra đến tận tay người tiêu dùng, ngành đã có những giải pháp gì, thưa ông?
- Công tác quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản là nhiệm trọng tâm và xuyên suốt của ngành nông nghiệp. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị. Cụ thể, đối với Chi cục Bảo vệ thực vật, tham mưu sở quản lý chất lượng sản phẩm từ đồng ruộng; hàng năm xây dựng kinh phí thực hiện lấy mẫu nông sản của các tổ chức, cá nhân ngoài ruộng đem phân tích định tính và định lượng để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Trên cơ sở đó nhằm thông báo nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời quy trình sản xuất theo hướng an toàn. Đối với Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản, tham mưu cho sở quản lý và lấy mẫu nông sản ngoài các sạp chợ, siêu thị… để phân tích định tính và định lượng, nếu các mẫu vượt mức cho phép thì làm biên bản tiêu hủy theo đúng quy định.
- Để người dân an tâm sản xuất, phát triển các mô hình VietGAP, ngành có những giải pháp gì để mô hình này được phát triển bền vững?
- Nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi phương pháp sản xuất cũ và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/2014/ QĐ-UBND ngày 8-4-2014 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở quyết định này, sở đã giao các đơn vị chuyên môn thuộc sở (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; Chi cục Bảo vệ thực vật) hướng dẫn tập huấn người dân sản xuất theo đúng quy trình và hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAP.
THOẠI PHƯƠNG (thực hiện)