Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới 5-6. Qua đó cho thấy, ô nhiễm môi trường và rác thải nhựa đang là vấn đề rất được xã hội quan tâm.
Đổi chất thải rắn lấy nhu yếu phẩm và sử dụng túi vải thay túi nhựa sử dụng một lần... là một trong những cách làm hiệu quả, sát thực tế góp phần bảo vệ môi trường đang được nhiều đơn vị trong tỉnh thực hiện. Ảnh: DUY CHÍ
Chuyện không của riêng ai
Hiện nay, mỗi tỉnh, thành trong cả nước đều có từ 1 - 2 nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, thỉnh thoảng mọi người lại nghe ở nơi này nơi kia xảy ra tình trạng rác thải bốc mùi tấn công khu dân cư, rác thải tràn ra đường do nhà máy xử lý tê liệt vì quá tải. Ông Nguyễn Văn Thiền, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, chia sẻ đến nay trên thế giới vẫn chưa có nhà máy nào xử lý nổi rác thải, dù là rác thải sinh hoạt, mà chưa qua xử lý; không có máy móc, công nghệ nào đủ sức xử lý rác thải mà trong đó là hỗn độn rác hữu cơ, rác vô cơ, đất đá... Nên nói là nhà máy xử lý rác thải nhưng thực tế người ta mang đi chôn lấp. Đến một lúc nào đó, hố chôn lấp rác bị đầy thì mùi hôi thối bốc lên, rác thải không còn chỗ chứa nên gọi là “quá tải”. Vì vậy, cần phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn để công tác xử lý tốt hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm hơn cho cả người dân và ngân sách Nhà nước.
Từ giữa năm 2018 đến năm 2019, thực hiện đề án Phân loại rác thải tại nguồn do Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai, UBND TX.Tân Uyên chọn các khu phố 1, 2, 3 của phường Uyên Hưng làm thí điểm thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Thoại, Phó Chủ tịch UBND phường Uyên Hưng, nói: “Dù khởi đầu thực hiện phân loại, ngành chức năng địa phương gặp không ít khó khăn vì người dân đã có thói quen dồn tất cả loại rác vào cùng một thùng nhưng nhờ kiên trì phối hợp, đeo bám chương trình, phát động thi đua, đến nay phân loại rác tại nguồn đã trở thành thói quen của người dân nơi đây. Từ đó phường đã nhân rộng thực hiện ra toàn 8/8 khu phố, hướng đến được công nhận phường văn minh đô thị vào cuối năm 2019”.
Tại TX.Dĩ An, địa phương thực hiện chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn, lấy khu hành chính thị xã làm thí điểm thực hiện chủ đề “Hành trình giải cứu rác chết”. Chương trình nhằm giải thích cho cộng đồng hiểu biết về ý nghĩa, giá trị kinh tế, lợi ích môi trường của việc phân loại rác tại nguồn sẽ mang lại bằng các giải pháp “tái sinh” để sản xuất ra nhiều sản phẩm, vật chất hữu ích trong quá trình xử lý rác thải. Kết quả, đến cuối năm 2018, đã có 98% người dân trên địa bàn tự nguyện thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt như một thói quen hàng ngày.
Ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An, chia sẻ kinh nghiệm để có được kết quả nói trên, trước hết địa phương tăng cường giám sát việc tuân thủ giờ giấc thu gom rác của các đơn vị dịch vụ thu gom rác cùng với việc giám sát phân loại rác tại nguồn của người dân. Bên cạnh đó, UBND thị xã yêu cầu đơn vị thu gom rác không tiếp nhận rác thải khi hộ dân không thực hiện phân loại; đồng thời thông báo nhắc nhở, xử phạt các cá nhân, tập thể, tổ chức cố tình không chấp hành các hợp đồng, cam kết đã ký.
Đến nay, người dân trong khu Trung tâm Hành chính TX.Dĩ An đã có thói quen và ngày càng nhận thức rõ hơn về giá trị kinh tế, môi trường của việc phân loại rác và tự nguyện vận động, kết nối các gia đình khác cùng tham gia thực hiện.
Báo động rác thải nhựa
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thi Tuyên truyền viên giỏi công tác bảo vệ môi trường năm 2019. Hội thi quy tụ 30 thí sinh đến từ 12 sở, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Mỗi đội ngoài phần thi lý thuyết về môi trường và bảo vệ môi trường, còn phải thể hiện tiểu phẩm trong 7 phút với thông điệp cụ thể, rõ ràng. Các tiểu phẩm thể hiện tại hội thi cho thấy “rác thải nhựa đang là vấn đề đáng báo động”.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phụ nữ “5 không, 3 sạch”, các chị em hội viên không chỉ là những người gương mẫu, tích cực bảo vệ môi trường mà còn trực tiếp tuyên truyền gia đình cùng người thân thay đổi thói quen, chung tay bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa.
Thông điệp “Mỗi hội viên phụ nữ luôn nghĩ và hành động vì môi trường không rác thải nhựa” được chị Nguyễn Thị Kim Ngân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Điền, TX.Bến Cát đưa ra bằng những con số dẫn chứng đầy ấn tượng: Thế giới có 7,5 tỷ người. Nếu một ngày một người chỉ thải ra môi trường một loại rác thải nhựa như ống hút, túi nhựa sử dụng một lần... thì lượng rác thải nhựa mỗi ngày đủ bao kín 4 lần trái đất của chúng ta. Việt Nam xếp thứ 17/109 quốc gia và vùng lãnh thổ phát thải rác thải nhựa nhiều nhất thế giới. Mỗi ngày, Việt Nam thải ra 80 tấn rác thải nhựa nhưng chỉ có 27% được thu gom, xử lý. Tỉnh Bình Dương mỗi ngày thu gom khoảng 1.600 tấn rác các loại, trong đó rác thải nhựa khoảng 200 tấn nhưng chỉ khoảng 8% trong số này được thu gom, xử lý. Để giảm phát thải chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống, Hội Liên hiệp Phụ nữ mong nuốn mọi người cần thay đổi thói quen hàng ngày bằng những việc làm hữu ích, như trồng thêm cây xanh quanh nhà, dùng túi vải sử dụng nhiều lần thay túi nylon...
Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả
Là một trong những đô thị lớn của tỉnh, đang phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao hàng năm, TX.Dĩ An cũng đang đứng trước vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày một tăng. Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, UBND thị xã đã giao các phường chủ động, tự chủ đề ra chương trình hành động cụ thể gắn với phong trào quần chúng bảo vệ môi trường. Quyết định này đã phát huy vai trò của cấp quản lý cơ sở với nhiều mô hình thiết thực, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng như: Phong trào “Xóa các điểm nóng về tình trạng đổ chất thải không đúng quy định”, “Biến các bãi rác tự phát thành các tiểu cảnh” kết hợp với chiến dịch “xanh - sạch - đẹp đường phố”...
Cùng với đó, các phường tập trung xử lý triệt để các hành vi đổ rác trộm, vứt xác động vật chết trên các tuyến đường và các vị trí đất trống; hành vi vận chuyển, tập kết vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường; không để tiếp diễn tình trạng một số ít tổ chức, cá nhân thiếu ý thức, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cộng đồng nhưng lại không bị chế tài hoặc chế tài không đủ sức răn đe. Kết quả, các địa phương, ngành chức năng của thị xã đã “giải phóng” được 3.500m2 đất bị ô nhiễm rác thải và tiến hành trồng cây xanh, trang trí tiểu cảnh, mở ra sân chơi, góc sinh hoạt của người dân trong khu phố.
Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đến cuối năm 2016, tỷ lệ số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng sinh hoạt đạt 98,5%, tỷ lệ số hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 96%, tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải đạt 84%. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình thu gom, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không nằm trong danh mục được phép sử dụng. Cùng với đó, các ngành, địa phương trong tỉnh đã phát động các phong trào vệ sinh môi trường như: Khuyến khích việc xử lý chất thải hữu cơ bằng hầm ủ biogas để giải quyết chất thải sinh hoạt, chăn nuôi ở nông thôn bảo đảm vệ sinh môi trường và bảo vệ nguồn nước; đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch tập trung ở nông thôn… |
DUY CHÍ