Nội dung SGK hiện nay còn hàn lâm, xa rời thực tế
Theo báo cáo của Ðoàn giám sát, trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, được sự quan tâm, chăm lo của Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội, với những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và học sinh, giáo dục phổ thông (GDPT) đã đạt được những thành tựu quan trọng. Ðã hoàn thành mục tiêu củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ. Quy mô và mạng lưới GDPT phát triển nhanh và khá đa dạng về loại hình trường, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Chương trình, sách giáo khoa GDPT về cơ bản đã thể hiện được quan điểm, đường lối đổi mới giáo dục của Ðảng và Nhà nước, bước đầu thể hiện được quan điểm dạy học phân hóa, tích hợp và tính liên thông, có nhiều tiến bộ về nội dung và hình thức trình bày. Ðội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có bước phát triển mạnh mẽ. Ðầu tư cho giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất nhà trường từng bước được cải thiện, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Công bằng xã hội trong giáo dục được thực hiện tốt hơn.
Tuy nhiên, chất lượng GDPT nhìn chung chưa đáp ứng mục tiêu giáo dục cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và còn thấp so với các nước tiên tiến. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung còn chậm, chưa đồng bộ, một số quy định thiếu tính cụ thể, khả thi. Các loại hình giáo dục chuyên biệt, ngoài công lập, chất lượng cao, có yếu tố nước ngoài chưa bám sát định hướng, mục tiêu đề ra và còn bất cập về cơ chế hoạt động và quản lý. Chương trình, sách giáo khoa còn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học. Phân ban trung học phổ thông chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa phù hợp nhu cầu và nguyện vọng của học sinh. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới nói riêng và bảo đảm chất lượng giáo dục nói chung. Ðầu tư cho giáo dục phổ thông còn dàn trải, mang tính bình quân, chưa phù hợp với sự chuyển đổi kinh tế thị trường định hướng XHCN. Còn thiếu những cơ chế, chính sách nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục và định hướng các cơ sở GDPT phát triển đúng quy luật.
Trong phần thảo luận, phần lớn các ý kiến phát biểu tán thành với những nội dung trong Báo cáo của Ðoàn giám sát. Nhiều đại biểu cho rằng, những hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thời gian qua do công tác chỉ đạo, điều hành GDPT đôi khi còn chủ quan, duy ý chí, chưa dựa trên cơ sở khảo sát thực tiễn một cách khách quan, khoa học khi quyết định những vấn đề quan trọng. Quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa ở một số khâu chưa bảo đảm tính liên thông thống nhất giữa các cấp học, môn học; thiếu cơ chế quản lý có hiệu lực bảo đảm vận hành đồng bộ toàn bộ quá trình xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa. Việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học. Công tác phát triển đội ngũ giáo viên chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng và chất lượng, hiệu quả còn thấp.
Các đại biểu tán thành với kiến nghị của Ðoàn giám sát đối với QH và Chính phủ. Theo đó, cùng với việc tiếp tục thường xuyên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với GDPT, Quốc hội cần nghiên cứu và sớm ban hành Nghị quyết về GDPT; Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa thực hiện sau năm 2015. Ðối với Chính phủ, cần khẩn trương hoàn thiện"Ðề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và"Ðề án về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015".
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Hải quan (sửa đổi).
Theo Nhân Dân