Đến hẹn lại lên, Rằm tháng giêng tại các ngôi chùa, miếu ở Bình Dương thu hút đông du khách trong, ngoài tỉnh đến viếng, dâng hương. Để bảo đảm an toàn cho du khách, cũng như giữ gìn nét văn minh mùa lễ hội, Ban trị sự (BTS), Ban tổ chức (BTC) lễ hội các chùa, miếu trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường, bố trí nơi giữ xe, dẹp nạn ăn xin…
Địa điểm bán vé số cho người khuyết tật tại chùa Bà Thiên Hậu năm nay được bố trí trước công viên Nguyễn Du
Để chùa, miếu luôn sạch, đẹp
Đến chùa Bà Thiên Hậu (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) vào ngày mùng 6 tết, để hạn chế xe máy đi lại trước, trong khuôn viên chùa, đoạn đường trước chùa đã được bố trí rào chắn cấm xe qua lại. Việc làm này đã bảo đảm an toàn cho người dân đi lễ chùa. Không những vậy, trong khuôn viên chùa đặt các bảng hướng dẫn lối đi vào, đi ra để du khách không chen lấn, đi ngược chiều gây mất trật tự. Giữ gìn vệ sinh môi trường trong suốt mùa lễ hội, trong chùa bố trí những sọt đựng rác để nâng cao ý thức của khách hành hương khi đến với chùa Bà.
Ông Trần Vĩnh An, Phó ban Thường trực BTS chùa Bà Thiên Hậu cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội chùa Bà Thiên Hậu năm Mậu Tuất 2018, BTS chùa Bà đã lên kế hoạch, phân công cụ thể cho từng tiểu ban, từng người, hy vọng đem lại sự hài lòng cho du khách; đồng thời giữ gìn nét văn minh trong mùa lễ hội. Ông cho biết thêm, riêng công tác giữ gìn vệ sinh, năm nay, chùa thuê thêm nhân viên vệ sinh trực từ đêm 30 tết đến hết tháng giêng tại 2 địa điểm chùa Bà ở phường Phú Cường và tại thành phố mới Bình Dương để bảo đảm trước, trong khuôn viên chùa luôn sạch sẽ. Đối với việc dâng hương, đèn lên Bà cũng hạn chế số cây nhang, đèn để không làm ô nhiễm môi trường. Ngay cửa vào trong chánh điện có lực lượng bảo vệ nhắc nhở, hạn chế nhang đèn của du khách khi vào dâng hương Bà.
Bên cạnh nỗ lực của BTS chùa Bà, chính quyền TP.Thủ Dầu Một cũng đã vào cuộc để bảo đảm an ninh, văn minh mùa lễ hội chùa Bà. TP.Thủ Dầu Một đã đề nghị các đơn vị liên quan giăng dây quanh công viên Nguyễn Du trước chùa Bà ở phường Phú Cường để hạn chế xe máy ra vào công viên để người dân có nơi nghỉ chân khi đến viếng chùa; bố trí chỗ bán vé số cho người khuyết tật trước công viên tránh ùn tắc trước cổng chùa; tăng cường nhân viên vệ sinh trực liên tục trong suốt mùa lễ hội cho đường phố luôn sạch, đẹp.
Đối với chùa Tây Tạng, chùa Hội Khánh, chùa Thái Sơn - Núi Cậu, chùa Núi Châu Thới (TX. Dĩ An), bảo đảm vệ sinh môi trường, nhà chùa phân công dọn dẹp vệ sinh cho những phật tử làm công quả trong chùa. Nhóm phật tử từ 5 - 10 người thay phiên nhau quét dọn trong, ngoài sân chùa. Bên cạnh đó, họ còn nhắc nhở du khách hạn chế đốt nhang đèn, vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường.
Siết chặt quản lý để hạn chế tình trạng ăn xin, chặt chém bên cạnh nỗ lực của BTS, BTC lễ hội các chùa, miếu, chính quyền địa phương cũng đã ra quân dẹp nạn ăn xin, chèo kéo khách. Ngay mùng 1 tết, tổ an ninh trật tự các phường đã đến kiểm tra tại các chùa, miếu. Khi phát hiện có người ăn xin, chèo kéo khách, các thành viên tổ an ninh trật tự mời đương sự về trụ sở phường, đồn công an để làm việc, tuyên truyền nhắc nhở hoặc bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý. Chính vì vậy, sau mùng 1 tết hầu hết các chùa, miếu không còn ăn xin hành nghề.
Hạn chế việc “chặt chém” du khách
Để lại ấn tượng đẹp cho du khách mùa lễ hội Rằm tháng giêng, việc kiểm tra, nhắc nhở các điểm giữ xe niêm yết giá, không “chặt chém” du khách cũng được chính quyền địa phương có chùa, miếu đông du khách thực hiện từ đêm 30 tháng chạp đến nay. Theo ghi nhận của người viết, năm nay, các điểm giữ xe quanh khu vực chùa Bà Thiên Hậu (phường Phú Cường) không lấy giá giữ xe quá 10.000 đồng/chiếc xe máy như mọi năm. Riêng chùa Núi Châu Thới, nhà chùa bố trí điểm giữ xe ngay trong khuôn viên chùa với giá niêm yết 5.000 đồng/chiếc để du khách thuận tiện viếng chùa.
Các quán ăn xung quanh các chùa, miếu trong tỉnh cũng niêm yết giá bán thức ăn, nước uống hợp lý để du khách dễ dàng lựa chọn. Một số nơi như chùa Núi Châu Thới, chùa Thái Sơn... nhà chùa còn tạo điều kiện cho người nghèo buôn bán đồ ăn, nước uống, đồ lưu niệm phục vụ du khách tham quan dưới chân núi, dọc đường lên chùa để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, nhà chùa không quên nhắc nhở người bán không “hét” giá, bán đúng giá để đem lại sự hài lòng cho du khách. Ông Nguyễn Văn Xinh, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh trải lòng: “Việc niêm yết giá giữ xe, giá thức ăn, nước uống là việc làm khó ở các lễ hội bởi nhiều người lợi dụng mùa lễ hội để hưởng lợi. Thế nhưng, đến với lễ hội Rằm tháng giêng tại Bình Dương các nơi bán hàng đều niêm yết giá, không bán giá cao so với thị trường nên chúng tôi rất yên tâm. Đây cũng là cách làm hay trong mùa lễ hội để vui lòng du khách thập phương”.
Có thể thấy, với những nỗ lực, cố gắng từ chính quyền địa phương, BTS, BTC lễ hội các chùa, miếu trong tỉnh đã góp phần làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi khi đến với lễ hội Rằm tháng giêng tại Bình Dương. Đó cũng góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của Bình Dương đến với du khách trong nước, quốc tế về một mùa lễ hội văn minh, an toàn, ấn tượng.
THIÊN LÝ