“Gói” chút tình gửi quê hương…

Cập nhật: 04-12-2020 | 08:10:18

Mùa đông đã chạm cửa với những cơn gió se lạnh đất phương Nam. Lòng ấm lại bởi những nét đẹp bình dị của cuộc sống khi tết chầm chậm về trước mắt. Những hối hả, lo toan… nhường chỗ cho những tin yêu được “gói gém” bởi tấm lòng những người con xa xứ.

 Chị Lò Thị Mai (bìa phải) bên gian hàng lựa chọn quà cho ngày tết

 Nhặt nhạnh niềm vui

Những ngày rong theo các phiên chợ hàng Việt về khu công nghiệp, các phiên chợ công nhân, có lẽ điều đọng lại mãi là những ánh mắt, nụ cười thật tươi của những công nhân xa quê khi cầm trên tay những món hàng thật “vừa vặn” với mắt nhìn và túi tiền của họ. Bỏ đằng sau những bộn bề, vất vả trong cuộc sống, sau những giờ làm việc mệt nhoài, nhiều công nhân tìm niềm vui cho mình bên những món quà chọn được để gửi người thân những ngày cuối năm.

Đứng lặng nhìn, tôi tìm thấy trong những ánh mắt ấy có bao điều chất chứa. Nhiều người chần chừ xen lẫn lo âu khi cầm bất cứ món hàng nào trên tay. Có lẽ với họ có nhiều khoản phải chi tiêu, tính toán. Cầm lên, đặt xuống, cân nhắc bởi cuộc sống và trách nhiệm với gia đình, người thân sau ngày công lao động. Ở đó, chỉ mong sao có đủ tiền mua cho con manh áo mới, “sắm” một cái tết giản dị, ấm cúng, mong dành đủ tiền để mua cặp vé về quê.

Tôi gặp vợ chồng anh chị Hoàng - Đông (KCN VSIP I) những ngày cuối tháng 10 trong phiên chợ hàng Việt bên gian hàng gốm sứ Cường Phát. Anh chị luôn tay lựa chọn từng món hàng cẩn trọng và trả lời tôi từng tiếng… khô khốc. Tôi cố nán lại để hỏi thăm vài lời về những món hàng anh chị đã chọn để mang về dịp tết với bao thắc mắc là vì hàng dễ vỡ, lại nặng nề sao phải mang ra tận quê… Chị Hoàng cho biết: “Vợ chồng chúng tôi đều làm việc trong ngành may, bận rộn tăng ca liên tục nên phải gửi con về tận Thái Bình ở với ông bà. Cha mẹ hai bên đều già yếu, chúng tôi không dư giả lắm nên chẳng phụng dưỡng được nhiều, mỗi năm chỉ có dịp tết là cố gắng lo cho gia đình chu đáo. Tết nhất ở quê mà lèo tèo, nhạt nhẽo quá cũng mất vui, nhưng để cho chu toàn thì chúng tôi phải gồng gánh, đau đầu tính toán đủ thứ. Song cứ tích góp, nhặt nhạnh từng chút một đến tết về thì cũng đầy cả đấy chị ạ. Ngoài quê không mua được bát đĩa chất lượng cao với giá tốt thế này đâu. Tết nào về em cũng gói cẩn thận đem về, không bị vỡ đâu”. Qua tâm sự tôi hiểu ra dù điều kiện vật chất không còn thiếu thốn như xưa, nhưng làm sao để có một cái tết trọn vẹn lại không phải là điều dễ dàng với những công nhân. Họ băn khoăn, lo nghĩ là điều có thật.

Chị Lò Thị Mai, công nhân ở KCN Đất Cuốc cho biết, năm nay trong đợt dịch bệnh Covid-19 công ty cho nghỉ việc cách nhật, anh chị đã tranh thủ về quê thăm nhà. Tết này chị phải cố gắng thuyết phục chồng ở lại ăn tết, tiết kiệm chi phí vì quê chị tận Yên Bái. Hôm nay, tranh thủ đi làm về chị ghé phiên chợ hàng Việt mua quà gửi bố mẹ hai bên dịp tết đến. “Thật ra hàng hóa giờ ở đâu cũng không thiếu nhưng cái tình cảm của những người con xa quê trong những ngày tết lại làm bố mẹ ấm lòng lại. Hơn nữa, tôi rất tin tưởng vào chất lượng hàng hóa bán tại phiên chợ bởi đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Đặc biệt là giá cả ổn định…”, chị Mai nói.

Theo lời chị Lò Thị Mai, hai vợ chồng đều là công nhân tại một cơ sở may, hết giờ làm việc anh chị lại tất bật chăm lo con cái và cũng không có nhiều thời gian để chạy chợ mua hàng hóa để dành làm quà. Chị mong có nhiều phiên chợ như thế này và dài ngày hơn để công nhân có cơ hội mua sắm. Tôi thấy trên gương mặt chị dường như tan biến sự mệt mỏi sau ngày làm việc mà đổi lại là sự vui mừng khi cầm đôi dép trên tay, dù lúc ấy còn chưa kịp buổi cơm chiều.

Và cũng bởi lẽ ấy, tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Nhiều mặt hàng được doanh nghiệp bán bằng giá vốn, còn kèm tặng đồ khuyến mại nhưng cái được là thương hiệu và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tâm sự với chúng tôi, anh Lưu Văn Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất Việt, cho biết xác định rõ việc tham gia chương trình đưa hàng Việt về khu công nghiệp, vùng nông thôn chủ yếu là phục vụ, không mang tính chất tìm kiếm lợi nhuận nên đã đưa mức giá bán phù hợp, thậm chí là chịu lỗ để hỗ trợ công nhân có điều kiện mua được hàng chất lượng với giá “mềm”, để món quà ngày tết nhanh được về với quê hương. Anh không nói nhiều song tôi hiểu, hơn ai hết anh cảm nhận được tâm tình của những người con xa xứ bởi anh cũng là một người con xa quê…

Hạnh phúc bình dị

Theo chân nhiều chương trình đưa hàng Việt về khu công nghiệp, vùng nông thôn, chúng tôi đã được chứng kiến sự rộn ràng thật sự ở những nơi “hàng Việt về”. Trong cái nhấp nhá của đất trời mỗi phiên chợ đêm, tôi hay có thói quen đi dạo một vòng quanh để cảm nhận. Trong dòng người hối hả, các tấm biển giảm giá, khuyến mại lớn nhỏ, “đồng giá sản phẩm” vài chục ngàn đồng được trưng bày nổi bật ở nhiều gian hàng tập trung đông công nhân với tiếng trao đổi, chào mời rộn vang cả một góc. Nếu được hỏi ấn tượng về điều gì nhất, tôi hẳn sẽ trả lời đó chính là niềm vui của những người công nhân tay xách đầy hàng hóa mà ánh mắt ngời lên hạnh phúc, cái hạnh phúc bình dị đến quá đỗi thân thương. Này là đôi dép cho con ngày tết. Này là tấm chăn cho bố mẹ những ngày lập đông. Kia là bộ quần áo đẹp làm quà cho anh chị… Và ấm chén, tranh ảnh… tất cả được nâng niu, gói gém kỹ lưỡng nhất, chất chứa đầy yêu thương.

 Lựa chọn quà tết tại phiên chợ công nhân ở KCN VSIP I

Tâm sự với tôi, anh Nguyễn Hoài Nam, công nhân làm việc ở một công ty trên địa bàn TX.Tân Uyên cho biết ngoài tình cảm với gia đình, những món quà, kẹo mứt gói gém mang về sẽ kết thêm cái tình làng nghĩa xóm. Mỗi dịp tết, hàng xóm cùng nhau uống chén trà, cốc rượu, tâm tình hoan hỉ sau một năm xa cách, động viên nhau cùng tiến tới, niềm tin như được nhân đôi. Bởi thế, với tất cả những người công nhân, tết là thiêng liêng. Không cần ồn ào, náo nhiệt, tất cả tình cảm con người hướng về đêm ba mươi, bên nồi bánh chưng, trong mâm ngũ quả và làn khói nhang thơm trên bàn thờ gia tiên… Nơi đó, biết bao nhiêu cảm xúc khiến lòng ta bâng khuâng. Đó chính là cái hồn quê còn ẩn khuất sau lũy tre làng buổi xuân sang…

Và đến đây, tôi hiểu hơn vì sao những người con xa quê xếp hàng trắng đêm mua vé tàu xe về quê, không sợ cuộc “hành xác” hàng ngàn cây số trên những chuyến xe “nhồi người” cùng đống hành lý lỉnh kỉnh, quà cáp cho người thân. Để rồi qua mấy ngày tết, họ lại chen lấn, lo sợ không có vé tàu xe trở lại với nhà máy, xí nghiệp...

Bất giác, trước mắt tôi là hình ảnh người người xúng xính váy áo, lỉnh kỉnh đồ đạc, vội vàng tiếng cười khắp nẻo đường quê…

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=917
Quay lên trên