HDR - bước tiến của ngành TV trong năm 2016

Cập nhật: 17-02-2016 | 08:15:58
Nối tiếp màn hình 3D, thiết kế cong... công nghệ HDR được các nhà sản xuất trang bị cho những mẫu TV đời mới, giúp nâng cao trải nghiệm hình ảnh.

Tại triển lãm CES diễn ra tháng 1, các công ty đã trình diễn những mẫu TV cao cấp nhất của mình sẽ phát hành trong năm 2016. Một trong những điểm nhấn trên loạt sản phẩm này là HDR, công nghệ sẽ được trang bị hàng loạt trên các mẫu màn hình đời mới.

TV HDR là gì

Nếu quan tâm đến nhiếp ảnh, thuật ngữ HDR không quá xa lạ và nó cũng hiện hữu trên tính năng chụp hình của nhiều mẫu smartphone. Đây là viết tắt của từ High Dynamic Range (Dải tương phản động), về cơ bản nó cho phép hiển thị tốt hơn các vùng tương phản trong một bức hình, giữ được chi tiết ở vùng quá sáng, làm nổi các chi tiết ở vùng tối.

hdr-buoc-tien-cua-nganh-tv-trong-nam-2016

Hình ảnh HDR (phải) so với hình thông thường.

Chẳng hạn, khi bạn hướng iPhone hay một chiếc Samsung Galaxy S6 về phía ngược sáng để chụp hình, máy sẽ kích hoạt chế độ HDR nhằm ghi được hình ảnh giàu chi tiết hơn so với ảnh thông thường.

Và bây giờ, công nghệ HDR không còn giới hạn trên ảnh tĩnh mà đã xuất hiện trên TV, cũng như các màn chiếu ở rạp. Hình trên sẽ cho bạn hiểu rõ hơn về HDR và khác biệt mà công nghệ này đem lại.

TV HDR khác gì so với TV trước đây

Với độ sáng được mở rộng, khả năng hiển thị các vùng tương phản tốt hơn, hình ảnh trên TV HDR mang đến cấp độ mới về khả năng tái tạo chi tiết. Những khu vực tối sẽ đen sâu nhưng vẫn hiển thị đầy đủ, trong khi đó vùng sáng được tăng cường mà không bị "cháy" chi tiết. Màu sắc cũng phong phú và sống động hơn.

Về cơ bản, HDR hoàn thiện trải nghiệm quan trọng nhất của một chiếc TV đó là đem đến hình ảnh đẹp và trung thực. So với TV thường có độ sáng tối đa khoảng 100 - 400 nit, TV HDR cho độ sáng khoảng 1.000 nit và hơn thế, đem lại sự khác biệt rõ rệt.

TV HDR có giàu chi tiết hơn so với TV 4K?

hdr-buoc-tien-cua-nganh-tv-trong-nam-2016-1

HDR là tiêu chuẩn được các hãng TV áp dụng cho dòng sản phẩm cao cấp năm 2016.

HDR không phải khái niệm để nói về việc tăng số lượng điểm ảnh, nhưng nó giúp mỗi điểm ảnh có chất lượng tốt hơn. Điều này có nghĩa, TV 4K cần một màn hình lớn, với khoảng cách xem đủ gần để cảm nhận rõ hiệu quả, còn lợi thế mà HDR đem lại có thể xem trên bất kỳ kích thước nào.

Rõ ràng, HDR và 4K là hai khái niệm khác nhau, nhưng với TV, nó sẽ xuất hiện song song. Thực tế hiện nay, đa số các TV HDR đạt tiêu chuẩn 4K và kết hợp lại nhằm mang đến chất lượng hình ảnh tốt nhất bằng việc tăng cường số điểm ảnh và chất lượng trên từng điểm ảnh.

Hạn chế của HDR

Tương tự chuẩn 4K Ultra HD, việc thể hiện nhiều chi tiết hơn sẽ khiến các video HDR chiếm băng thông, tốn kém trong việc lưu trữ và truyền phát. Đồng thời, có TV HDR thì người dùng cũng cần nội dung tương ứng để khai thác hiệu quả mà nó đem lại. Nếu như TV 4K có chức năng nâng cấp nguồn phát chưa đạt chuẩn lên Ultra HD thì tính năng chuyển đổi HDR lại chưa có.

Một số nhà cung cấp trực tuyến như Amazon Prime Instant Video hay Netflix cho biết sẽ cung cấp các video HDR, song nội dung còn khá nghèo nàn. Đĩa Blu-ray 4K HDR sẽ được phát hành trong năm 2016 nhưng mức giá chắc chắn sẽ không hề rẻ. Trong khi đó, các nhà đài như BBC, Sky hay Virgin Media cho rằng phải mất một vài năm nữa mới phát các chương trình HDR.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=762
Quay lên trên