Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu Tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa và nhỏ thực thi hiệu quả

Cập nhật: 13-06-2020 | 09:44:34

Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SMEs) Việt Nam chiếm đến 97% tổng số DN cả nước, những “trái tim của nền kinh tế” cần sự hỗ trợ để thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu quả.

'

Đổi mới công nghệ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua kinh tế số là cơ hội để DN thực thi hiệu quả EVFTA. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cơ khí Thành Danh Đạt

Cơ hội lớn

EVFTA được khẳng định là cứu cánh, mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho DN, giúp DN lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh, nhất là đối với DN SMEs. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, tính tương tác bổ sung giữa EU và Việt Nam được thể hiện rất rõ trong hiệp định. Đây cũng là cơ hội mà DN SMEs Việt Nam cần nắm lấy. Theo ông Thái, EU là mô hình bảo vệ chỉ dẫn địa lý tới hộ gia đình, đây chính là mô hình phù hợp với DN SMEs Việt Nam. Các cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đã thể hiện trong EVFTA cũng sẽ đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ không còn phải quá bận tâm để xin các chứng chỉ kỹ thuật như đã từng diễn ra với các hiệp định thương mại.

Dẫn chứng về các cơ hội, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, EVFTA dù có đến hàng ngàn trang thì mỗi DN SMEs Việt Nam đều có thể tìm thấy riêng cho mình 1- 2 trang để cùng cộng đồng DN thực thi. EVFTA có thể được xem như một văn bản giảm thuế mang tính bền vững. Đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số mặt hàng có thể được hưởng lợi ngay. Cùng đó trong quá trình thực thi EVFTA, EU áp dụng cơ chế thu hoạch sớm (REX) cho phép DN được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điều DN cần nắm bắt để biến thành lợi ích của mình.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng cơ hội mà EVFTA mang lại sẽ song hành cùng với khó khăn, thách thức. Để tận dụng tối đa các cơ hội EVFTA mang lại, DN cần lưu ýđểcóchiến lược, kếhoạch vàhành trang sẵn sàng cho sựphát triển trong điều kiện thịtrường vàbối cảnh thương mại mới.

Ông Lê Văn Hiệp, Trưởng Ban vận động lâm thời Hiệp hội DN vừa và nhỏ Bình Dương cho biết sắp tới, việc thành lập hiệp hội sẽ là cơ hội để hoàn thiện chuỗi cung ứng, đẩy mạnh liên kết phát triển trong các DN vừa và nhỏ tại Bình Dương. Trong điều kiện thịtrường vàbối cảnh thương mại mới, cùng với môi trường đầu tư truyền thống tạo điều kiện thuận lợi, các DN SMEs sẽ có cơ hội lớn để bứt phá.

Tận dụng thời cơ để thích nghi

Một câu hỏi đặt ra tại hội nghị “Hỗ trợ DN SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” do BộCông thương phối hợp Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức là liệu DN nhỏ và vừa Việt Nam có bị “ngộp” trong các cam kết của EVFTA hay không? Câu trả lời là DN SMEs Việt Nam hoàn toàn có thể thích nghi cho dù những tiêu chuẩn, chi phí thương mại của EU thuộc vào hàng cao nhất nhì thế giới. Điều này cũng có nghĩa các cam kết của EVFTA hoàn toàn có thể lan tỏa tới các DN SMEs, góp phần tạo ra sự ổn định về kinh tế và xã hội, tránh được bài học xung đột lợi ích như đã xảy ra ở nhiều nước.

Đề cập đến những thách thức mà các DN SMEs gặp phải, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng EU là thị trường lớn nhưng đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường… không phải DN nào cũng đáp ứng được. Khó khăn tiếp theo đối với các DN Việt Nam khi thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU là rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường này. Ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị đẩy nhanh hơn nữa cải cách hành chính, đẩy mạnh truyền thông, tăng nguồn lực, vốn vay và tạo thuận lợi để triển khai các dự án EVFTA, cắt giảm các tiêu chí đấu thầu để DN SMEs có cơ hội tham gia, hỗ trợ DN ứng dụng khoa học và công nghệ…

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ có trong chương trình hành động của Chính phủ thực thi EVFTA. Thực thi hiệp định cũng là câu chuyện cụ thể của từng địa phương, DN. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, cho biết sẽ nỗ lực phối hợp hỗ trợ các DN về vấn đề tiếp cận thông tin, chính sách từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, trong đó có EVFTA. Đồng thời nắm bắt những trở ngại trong xuất khẩu, tạo thuận lợi tối đa cho DN tham gia thương mại xuyên biên giới.

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2%, hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do đó với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...
 
TIỂU MY

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=783
Quay lên trên