Bình Dương là vùng lưu hành bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bùng phát dịch theo chu kỳ. Thời gian qua, dịch bệnh SXH đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm 2020, số ca mắc SXH của tỉnh là 4.370 ca, có 5 ca tử vong nhưng đến năm 2021 là 5.636 ca mắc, 2 ca tử vong. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống SXH như kiểm soát lăng quăng, muỗi vằn tại hộ gia đình dựa vào cộng đồng qua việc loại bỏ các dụng cụ chứa nước, đậy kín, sử dụng cá bảy màu ăn lăng quăng. Hàng năm, ngành phối hợp các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường, giảm sát ca bệnh, phân lập vi rút để dự báo xu hướng dịch, xử lý ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Những biện pháp trên hiệu quả không cao và chưa mang tính chất bên vững. Ngành y tế vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các biện pháp mới nhằm giảm thiểu số ca mắc và tử vong do dịch bệnh SXH.
Thả muỗi mang Wolbachia tại khu vực công cộng, gần nhà dân tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một
Wolbachia là phương pháp mới được ứng dụng trong cộng đồng để phòng chống bệnh SXH. Phương pháp này được thực hiện thông qua việc sử dụng Wolbachia - một loại vi khuẩn tồn tại sẵn ở khoảng 60% các loài côn trùng có trong tự nhiên. Chúng sống cộng sinh trong tế bào côn trùng và không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái hay sức khỏe của con người. Theo dự án “Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam”, vi khuẩn Wolbachia được đưa vào cơ thể muỗi vằn giúp muỗi tăng sức đề kháng với vi rút gây bệnh giống như “tiêm vắc xin” cho muỗi. Vi khuẩn Wolbachia được cấy vào muỗi vằn sẽ làm cho muỗi có khả năng ức chế sự nhân lên của một số loại vi rút, trong đó có vi rút Dengue và Zika, giảm sự lây truyền bệnh SXH. Tại Việt Nam, phương pháp Wolbachia đã được thực hiện thí điểm tại đảo Trí Nguyên (TP.Nha Trang) vào các năm 2013-2014 và 8 thôn tập trung dân cư thuộc xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) vào năm 2018. Kết quả chung từ các nước đã triển khai thả muỗi mang Wolbachia cho thấy là một phương pháp an toàn. Muỗi mang Wolbachia không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khỏe con người hay môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, muỗi mang Wolbachia có khả năng tự duy trì lâu dài, không còn sự lan truyền bệnh SXH đáng kể nào ở những khu vực có muỗi mang Wolbachia.
Để triển khai thực hiện phương pháp “Thả muỗi mang Wolbachia để phòng chống bệnh SXH” cần có sự chung tay, ủng hộ từ cộng đồng người dân và các cấp chính quyền địa phương. Hiện Bình Dương đã thực hiện thả muỗi mang Wolbachia ở 2.707 điểm thuộc 5 phường tại TP.Thủ Dầu Một, gồm: Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Hiệp Thành và Chánh Nghĩa.
HOÀNG LINH