Hiện nay, Việt Nam còn lưu giữ nhiều văn bản cấp Nhà nước chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều sách điển chế, lịch sử, địa lý, nhiều bản đồ của Việt Nam và nước ngoài cũng ghi rõ việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay cả sách sử cổ Trung Quốc cũng công nhận Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc, mà thuộc chủ quyền của Việt Nam…
Những tài liệu giá trị
Việt Nam có nhiều tư liệu, bản đồ của phương Tây và cả Trung Quốc ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Các tư liệu đó đều ghi rõ Paracel thuộc “Vương quốc An Nam”. Các nhà truyền đạo Pháp trên tàu Amphitrite trên đường sang Trung Quốc năm 1701, ghi: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần xảy ra các tai nạn đắm tàu ở đó”.
Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của nhà Thanh xuất bản năm 1904 chỉ rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam
Dubois de Jancigny trong thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Ceylan, có viết: “Chúng tôi quan sát thấy rằng từ ba mươi tư năm nay, quần đảo Paracel (người An Nam gọi là Cát Vàng), một ma hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá và các bãi cát đầy ngờ vực của các nhà hàng hải và có thể được coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được người An Nam (Cochinchine) chiếm hữu. Chúng tôi không để ý liệu họ có tạo nên một công trình nào trên đó không (có thể nhằm mục đích bảo vệ nghề cá), nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người. Bởi vì ngài đã thân chinh tới đó chiếm hữu vào năm 1816, khi ngài long trọng kéo cờ của An Nam lên đó”.
Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ (kích thước 80x44cm) của giám mục Jean - Louis Taberd xuất bản năm 1838, ghi: “Paracel seu Cat Vang” (seu - tiếng la tinh có nghĩa là hoặc hay là) - Paracels hay là Cát Vàng tức Hoàng Sa, nằm trong cuốn từ điển Latinh - Annam ghi rõ ở tọa độ địa lý: 15 - 17 B, 111 - 113 Đ. Cũng nhà truyền đạo Jean - Louis Taberd ghi nhận: “Paracel hoặc Paracels (Bãi Cát Vàng) mặc dù không có gì ngoài các đá, bãi và độ sâu lớn hứa hẹn nhiều bất tiện lợi, vua Gia Long vẫn nghĩ tới việc mở rộng lãnh thổ của ngài bằng cách chiếm thêm vùng đất buồn bã này. Năm 1816, ngài đã tới đây long trọng cắm cờ, chính thức chiếm hữu các đảo đá này, mà không một ai tranh giành gì với ngài cả”.
Cát Vàng hay Hoàng Sa còn được vẽ trong nhiều tài liệu như Geography of the Cochinchinese Empire (Địa lý đế chế An Nam), trong Journal of the Geographical Society of London (Tạp chí Địa lý Xã hội London) năm 1849.
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Các tài liệu cổ của Trung Quốc cũng công nhận các đảo này thuộc An Nam. Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán (1696) quyển III, viết: “... bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn lý Trường Sa, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa... Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Các quốc vương thời trước, hàng năm sai thuyền đi đánh cá dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào”.
Đoạn văn này đã xác nhận rõ việc thực hiện chủ quyền ở Hoàng Sa trong thời các chúa Nguyễn qua hoạt động thu lượm hóa vật của đội Hoàng Sa. Phần tựa cuốn Hải lục (1842) của Vương Bính Nam ghi các điều mắt thấy tai nghe do Tạ Thanh Cao, một thủy thủ Trung Quốc từng đi nhiều nước, nhiều vùng về kể lại: “Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên giậu của An Nam”.
Những tài liệu, bản đồ cổ hành chính do chính quyền Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước, như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ vừa được phát hiện, cũng như hàng chục bản đồ cổ khác của Trung Quốc đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía Nam của Trung Quốc. Tất cả các bản đồ ấy đều minh chứng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Thậm chí, năm 1898 Trung Quốc đã nêu lý do Paracels (Hoàng Sa) không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, dứt khoát từ chối yêu cầu của công ty bảo hiểm Anh trong vụ đòi Trung Quốc bồi thường việc dân Hải Nam hôi của tàu Le Bellona của Đức đắm năm 1895 và tàu Imazi Maru của Nhật Bản đắm năm 1896.
Các tư liệu lịch sử đã cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa thật sự thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời và các Nhà nước Việt Nam đã thực hiện việc quản lý, khai thác liên tục và hòa bình ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong số hiện vật được trao tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày 25-7-2012, có tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” xuất bản năm 1904, được TS.Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), sưu tầm và hiến tặng, thì đây là bản đồ các tỉnh của Trung Quốc do Trung Quốc xuất bản năm Giáp Thìn, đời vua Quang Tự nhà Thanh (1904).
Tấm bản đồ nói trên được in màu, có kích thước 115x140cm gồm 35 mảnh nhỏ (16x27,6cm) ghép lại, được làm bằng giấy, dán trên nền vải và có thể gấp gọn lại như một quyển sách, bên ngoài có bìa cứng. Trong Lời tựa in phía trên tấm bản đồ (cũng do TS.Mai Hồng phiên âm, chú và dịch nghĩa) nêu rõ quá trình làm bản đồ ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 1708 (năm Khang Hy 47) với sự hỗ trợ kỹ thuật của các giáo sĩ phương Tây. Đến năm 1713, “trải qua một năm bốn lần đọc duyệt, quy mô bắt đầu định hình. Các giáo sĩ đều được triệu tập về kinh đô để họ múa bút vẽ họa, sau hai năm công việc cáo thành với bức toàn đồ 15 tỉnh”. Công việc bổ sung, chỉnh lý bản đồ vẫn được tiếp tục trong những năm sau đó vì “cương vực của các thôn, ấp, quận, huyện ở các tỉnh đã có thay đổi đôi chút, cho nên xem chỗ nào thiếu thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn thì đính chính sửa sang...”.
TS.Mai Hồng cũng khẳng định: “Đây là tấm bản đồ được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước tổ chức vẽ và in sau một quá trình biên soạn khá công phu tỉ mỉ, với đội ngũ các chuyên gia khá giỏi chuyên môn. Kỹ thuật vẽ bản đồ hoàn toàn học của phương Tây. Bản đồ đã đạt đến độ chính xác cao. Trên bản đồ thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Đây là một bằng chứng tư liệu được Trung Quốc xuất bản, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.
T.S (tổng hợp)