*Tiêm vắc xin Pfizer thay thế vắc xin Moderna
(BDO) Tối 6-9, Sở Y tế tỉnh thông báo toàn tỉnh có 3.527 ca xuất viện, khỏi bệnh, tăng 321 ca so với ngày 5-9. Trong ngày số ca xuất viện, khỏi bệnh tập trung ở tầng 1A với 2.691 ca, còn lại là 3 tầng điều trị với tổng số 837 ca. Tích lũy tổng số ca xuất viện khỏi bệnh là 82.639 người chiếm 61,38% tổng số ca nhiễm trong đợt dịch.
Cũng trong tối 6-9, Sở Y tế tỉnh cho biết trong 24 giờ qua toàn tỉnh ghi nhận 2.194 ca mắc mới, giảm 1.346 ca so với ngày 5-9. Trong ngày huyện Dầu Tiếng không ghi nhận ca mắc mới, TP.Thuận An có số lượng ca mắc cao nhất với 1.142 ca, sau đó là TX.Tân Uyên 424 ca, TX.Bến Cát 344 ca, TP.Thủ Dầu Một 114 ca, huyện Bàu Bàng 82 ca, huyện Phú Giáo 34 ca, TP.Dĩ An 31 ca, huyện Bắc Tân Uyên 17 ca và ghi nhận ngoài tỉnh 6 ca. Trong ngày, khu phong tỏa là nơi phát hiện ca mắc nhiều nhất với 1.634 ca, sàng lọc cộng đồng 341 ca (ngày 5-9 là 530 ca).
Số ca mắc của các địa phương trong ngày 5 và 6-9
Về tình hình vắc xin, Bình Dương đã thực nhận hơn 2,1 triệu liều do Bộ Y tế phân bổ. Ngành y tế dự kiến đến ngày 10-9, 100% dân số Bình Dương từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19. Để toàn dân Bình Dương được tiêm đủ 2 liều vắc xin thì tỉnh cần hơn 4 triệu liều, do đó tỉnh còn thiếu hơn 2 triệu liều vắc xin cần được Bộ Y tế phân bổ; trong đó có 750.000 liều Sinopharm tiêm mũi 2, khoảng 1.200.000 liều Astra Zeneca, Pfizer và 145.000 Moderna.
Số liệu thống kê đến ngày 6-9, toàn tỉnh đã tiêm được hơn 1.406.000 liều vắc xin trong tổng số 2.113.000 liều vắc xin thực nhận. Trong vòng 2 ngày tới tỉnh sẽ tiêm hết 300.000 liều Sinopharm và tiếp tục tiêm thêm 300.000 liều Astra Zeneca và Pfizer đã phân bổ.
Về kiến nghị của Bình Dương tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi và tiêm vắc xin Pfizer thay thế Moderna, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng cho biết: Bộ Y tế cũng đã tính toán, dự trù số lượng trẻ em cần được tiêm chủng, tuy nhiên trong tình hình hiện nay do lượng vắc xin khan hiếm, số lượng vắc xin tiếp nhận, phân bổ trên cả nước còn rất thấp, chiếm 25% so với nhu cầu của cả năm nên ưu tiên vắc xin cho đối tượng có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên. Đến giai đoạn cuối năm, nếu lượng vắc xin về nhiều hơn thì sẽ tính đến việc tiêm vắc xin cho đối tượng dưới 18 tuổi.
Riêng về vắc xin Moderna là vắc xin được tài trợ, không phải là vắc xin mua nên không có cam kết cung ứng và không biết khi nào sẽ được tài trợ. Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ là nếu không có vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 thì tiêm thay thế là Pfizer. Giữa vắc xin Moderna và Pfizer là hai vắc xin tương tự nhau, cùng một cơ chế như nhau, trong trường hợp không có mũi 2 thì trì hoãn và trì hoãn đến 6 tuần vẫn không có vắc xin thì có thể tiêm vắc xin loại khác thay thế là Pfizer. Với đối tượng người mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng cần trì hoãn tiêm chủng và sau 6 tháng thì mới có thể tính đến việc tiêm vắc xin.
Kim Hà