Bằng tình yêu với cây thuốc và mong muốn bảo tồn cây thuốc quý có sẵn trong tự nhiên, hơn 30 năm qua, lương y Mai Tô Châu ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo đã cất công lặn lội khắp nơi để sưu tầm đem về trồng bảo tồn, nhân giống hàng trăm loại cây thuốc trong vườn nhà.
Lương y Mai Tô Châu sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề y. Chính điều kiện đó đã nuôi dưỡng trong ông tình yêu với cây thuốc ngay từ khi còn nhỏ. Lớn lên tham gia bộ đội, ông đã chọn ngành quân y để phục vụ và cũng từ đó ông lại càng dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, nghiên cứu các loại cây thuốc trị bệnh cứu người. Năm 1985, ông về xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo để lập nghiệp, một trong những lý do để ông chọn đất này là ở đây có sẵn nhiều loại cây thuốc và ông mong muốn xây dựng một vườn thuốc Nam để trị bệnh cho người dân địa phương.
Trò chuyện với ông, dường như chúng tôi cũng được truyền nguồn cảm hứng và tình yêu cây thuốc từ ông. Lương y Mai Tô Châu cho biết, khi có thời gian rảnh ông đã lặn lội khắp nơi, sang cả các nước Campuchia, Trung Quốc để tìm cây thuốc quý đem về. Vất vả là thế nhưng bù lại mỗi khi tìm được một cây thuốc quý thì niềm vui như được nhân đôi vì vừa có thuốc cứu người vừa trồng bảo tồn được giống. Đối với ông, mỗi cây thuốc đâu đó trong vườn nhà đều là một câu chuyện, một kỷ niệm khó quên về những chuyến đi và cơ duyên mà ông đã tìm gặp. Đến nay, trong vườn nhà ông đã có hàng trăm loại cây thuốc, trong đó có nhiều loại cây thuốc quý hiếm như Sạ đen, Sa nhân, Sáo tam phân, Bán tự mốc, Câu đằng, Quất hồng bì… Với vườn thuốc Nam phong phú của mình, lương y Mai Tô Châu đã không những chủ động được nguồn dược liệu để điều trị bệnh miễn phí tại chỗ cho người dân mà ông còn cung cấp cây thuốc cho các chùa, các hội từ thiện với số lượng lớn. Bệnh nhân gần xa đều biết tiếng và trìu mến gọi ông là thầy Tư Châu.
Tháng 6-2016, Câu lạc bộ Nuôi trồng và Bảo tồn cây thuốc Nam ra đời. Đó là ấp ủ nhiều năm của lương y Mai Tô Châu cùng một số lương y tâm huyết như lương y Tăng Kiến Hưng, Lê Thị Lan, Lê Văn Ích… mục đích của câu lạc bộ là xây dựng vườn thuốc Nam mẫu cho các lương y, thầy thuốc đến nghiên cứu; làm vườn ươm nhân giống các cây thuốc quý; trồng những cây thuốc đa dụng để chữa bệnh thực tế tại chỗ. Lương y Mai Tô Châu chia sẻ, ông không muốn cây thuốc bị bỏ phí và mong muốn xây dựng được vùng dược liệu có sự tham gia của bà con địa phương vì ở đây có nhiều đất nhàn rỗi. Muốn làm được như thế theo ông cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học và nhất là các nhà đầu tư.
ĐỨC LÊ