Thời gian qua, nhiều phường trên địa bàn TP.Dĩ An đã triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn, bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Những mô hình điểm này đang được nhân rộng ra toàn thành phố nhằm mang lại lợi ích cho mỗi hộ dân và góp phần xây dựng môi trường sống ở các khu dân cư ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
TP.Dĩ An đang quyết tâm xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp cây xanh
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) với chủ đề “Chỉ một Trái đất”, mới đây, UBND phường Bình An, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường Bình An tổ chức ngày hội tuyên truyền về tác hại rác thải nhựa. Người dân đã được xem clip về tác hại của chất thải nhựa với môi trường và được truyền đạt các nội dung về giảm thiểu tiêu thụ đồ nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, các sản phẩm nhựa có thể tái sử dụng nhiều lần, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại và tái chế các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nylon... Trong đó, chương trình “Đổi rác thải lấy cây xanh” được người dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo hiệu ứng tích cực với cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Bé Hai, người dân phường Bình An, chia sẻ khi nghe có chương trình “Đổi rác thải lấy cây xanh”, mấy chị em trong xóm tôi ai cũng háo hức đi gom vỏ chai, vỏ lon bia, nước ngọt… đem ra đây để đổi lấy mấy chậu hoa xinh xắn về chưng.
Bà Nguyễn Hồng Gấm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP.Dĩ An, cho biết chương trình “Đổi rác thải lấy cây xanh” là một trong số nhiều chương trình, hoạt động nhằm lan tỏa lối sống xanh của các cấp trên địa bàn thành phố. “Đổi rác thải lấy cây xanh” tuy không mới nhưng đạt hiệu ứng rất cao đối với cộng đồng. Thay vì vứt rác thải nhựa ra môi trường, người dân cảm thấy ý nghĩa hơn khi đem những món rác ấy đổi lấy chậu cây về trồng. Chương trình “Đổi rác thải lấy cây xanh” đã và đang tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa và hướng dẫn người dân cần thực hiện tốt việc thu gom những loại rác thải nguy hại để hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh việc nhân rộng và phát huy hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
Năm 2020, Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương và Quỹ Bảo vệ môi trường toàn cầu (GEF) đồng tài trợ cho dự án tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải trên địa bàn TP.Dĩ An. Dự án được UBND tỉnh giao cho Hội LHPN tỉnh thực hiện với tổng kinh phí toàn dự án 120.000 đô la Mỹ, nguồn vốn đối ứng của tỉnh 60.000 đô la Mỹ. Sau 2 năm phát động Dự án “Tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải trên địa bàn TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương”, TP.Dĩ An đã tạo ra được một phong trào cộng đồng rộng rãi, có sự tham gia đồng loạt của rất nhiều người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện nhiều “điểm đen” rác thải gây bức xúc ở các phường trên địa bàn thành phố đã được xóa bỏ và thay thế bằng những vườn hoa, tiểu cảnh góp phần làm đẹp phố phường. Có được những không gian xanh, trong lành, thoáng sạch như vậy là nhờ công sức không nhỏ của cả cộng đồng. Theo nội dung kế hoạch, Hội LHPN TP.Dĩ An chủ trì phối hợp với UBND các phường thực hiện mô hình biến bãi rác thành vườn hoa tại 3 phường. Đến nay, Hội LHPN đã hoàn thành 3 vườn hoa tại 3 phường Đông Hòa, Dĩ An, Tân Bình. Đến nay, công tác thực hiện xây dựng, hoàn thiện các vườn hoa bảo đảm. Các phường thường xuyên ra quân dọn quét, chăm sóc cây, trồng thêm cây xanh, hoa góp phần tạo cảnh quan sạch, đẹp, tạo sân chơi cho trẻ em, người dân xung quanh khu vực vườn hoa.
Ông Nguyễn Văn Tám, ngụ tại phường Đông Hòa, cho biết nhiều năm trước, tại đây tồn tại một điểm đổ rác thải, phế thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị. Tổ dân phố đã nhiều lần ra quân vệ sinh môi trường nhưng vẫn không xóa sổ được bão rác này do cứ dọn dẹp xong, tình trạng tái đổ trộm rác thải, phế thải, vật liệu xây dựng lại tái diễn. Tuy nhiên, sau khi phường tổ chức tổng dọn vệ sinh và đổ đất trồng hoa, cây xanh, khu vực này trở nên sạch đẹp hơn.
Bên cạnh mô hình biến bãi rác thành vườn hoa, các mô hình khác như mô hình kinh tế tuần hoàn, chương trình giảm thiểu rác thải nhựa, mô hình liên kết cơ sở và người thu gom phế liệu… ngày càng hiệu quả. Ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết Dự án “Tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải trên địa bàn TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương”, đã mang lại “hiệu quả kép”. Sau 2 năm thực hiện dự án, TP.Dĩ An đã giảm thiểu rác thải rắn sinh hoạt từ các hộ dân, rác thải công nghiệp, thương mại - dịch vụ ở các ngành kinh tế, các trường học, các trung tâm dịch vụ vui chơi giải trí… nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy của cộng đồng và xã hội. Song, việc phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như chưa hình thành được thói quen trong mỗi gia đình, diện tích sinh hoạt của nhiều hộ dân do chật chội nên khó thực hiện việc phân loại rác… Thậm chí, với nhiều mô hình đã triển khai thành công, khâu thu gom, xử lý rác vẫn chưa tạo thành chuỗi khép kín”.
Để công tác phân loại và xử lý rác thải tại nguồn thực chất, rất cần sự chung sức của mỗi người dân và toàn xã hội. Mỗi người dân thành phố cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực, sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại rác thải tại nguồn; thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nylon thông qua trong sinh hoạt thường ngày; tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường… chung tay xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp theo hướng tuần hoàn, bền vững.
NGỌC THANH - PHẠM ẨN