Hướng tới huyện nông thôn mới nâng cao

Cập nhật: 26-07-2022 | 08:05:15

Thời gian qua, huyện Bàu Bàng đã tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo các xã nông thôn mới (NTM) đẩy nhanh tiến đ, tháo gỡ điểm nghẽn để về đích nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao đúng lộ trình. Cùng với đó, hiện nay huyện đang triển khai thực hiện lộ trình xây dựng huyện NTM nâng cao.

 Tỷ lệ trường học các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương

 Huy động tốt các nguồn lực

Trong xây dựng NTM, từ một huyện chưa có xã nào được công nhận xã NTM, Bàu Bàng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất, đường giao thông, hệ thống điện, đường, trường, trạm thiếu đồng bộ… đời sống của người dân còn thấp. Tuy nhiên, đến nay diện mạo ở các xã đạt chuẩn NTM có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao. Tính đến nay, toàn huyện có 3/6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020; hướng đến NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.

Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Bàu Bàng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Điều này đã và đang được phát huy trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hiện tại, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, huyện Bàu Bàng còn huy động tốt các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Thời gian qua, toàn huyện đã huy động được hơn 7.500 tỷ đồng để xây dựng NTM. Nhân dân tự nguyện hiến hàng trăm ngàn m2 đất để xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường đầu tư; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn. Nông nghiệp hàng hóa ngày càng được coi trọng, góp phần tích cực nâng cao thu nhập và điều kiện sống của nhân dân.

Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được nâng lên, an sinh xã hội được thực hiện tốt. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư khang trang, sạch đẹp với hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng gắn với việc trồng hoa, cây xanh, công tác thu gom, xử lýrác thải và vệ sinh môi trường được thực hiện tốt hơn.

Sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Nhờ vậy, kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng. Nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt trên 9.600 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 5,18%. Theo đó, tình hình sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt ở địa phương phát triển ổn định. Thực hiện chương trình đột phá về chuyển dịch cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật công nghệ cao, huyện ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hình thức trang trại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và xây dựng các vùng nông nghiệp chuyên canh. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị, kinh tế trang trại có chiều hướng phát triển mạnh và được nhân rộng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng cao su 52 ha ở xã Cây Trường II cho thu nhập gần 4 tỷ đồng/ năm; mô hình trồng cây có múi 62 ha ở xã Trừ Văn Thố cho thu nhập gần 7 tỷ đồng/năm; mô hình trồng bưởi da xanh 34 ha (xã Long Nguyên) cho thu nhập gần 10 tỷ đồng/năm; mô hình khai thác mủ cao su và trồng cây ăn trái, nuôi chim yến ở thị trấn Lai Uyên cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Các vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng sản xuất cói tập trung, vùng chăn nuôi tập trung… đều cho thấy hiệu quả ngày càng cao.

Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết điểm nhấn trong xây dựng NTM ở huyện là tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ở các xã. Để thực hiện, theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, trọng tâm phải triển khai tốt hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị và phát triển bền vững; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, tăng diện tích cây màu, cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, huyện đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Thời gian tới, huyện tiếp tục chú ý phát triển mở rộng các mô hình kinh tế tiên tiến hiệu quả, hình thành các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung, đáp ứng yêu cầu 4 có “có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao”. Mặt khác, huyện đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, coi đây là cái gốc để đầu tư xây dựng NTM, đồng thời coi công tác chỉnh trang nông thôn là nhiệm vụ chính yếu trong thực hiện NTM nâng cao, kiểu mẫu, bảo đảm nông thôn luôn “sáng, xanh, sạch, đẹp, bền vững”.

 PHƯƠNG ANH - PHÚ HÀO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên