Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Cập nhật: 02-07-2016 | 08:12:09

Trong quá trình hội nhập kinh tế, nhiều nông dân trong tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai từng vùng và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Quyết tâm của nông dân trong thay đổi cách nghĩ, cách làm để thích nghi với thời cuộc không chỉ làm giàu cho nông dân, mà còn nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp địa phương.

 Nhiều mô hình hiệu quả

Bên cạnh việc phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao và xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng CNC cho nông dân. Qua đó, nhiều mô hình đã được người dân ứng dụng và nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, ở lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích ứng dụng CNC của tỉnh đạt khoảng 2.091 ha với các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh, các loại cây trồng được sản xuất trong nhà lưới và sử dụng nước tưới tự động, cây ăn trái sử dụng hệ thống tưới phun sương tự động…

Hiện nay, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác áp dụng CNC trên địa bàn tỉnh đạt trên 90 triệu đồng; tổng diện tích được ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) mới vào sản xuất đạt trên 860 ha. Bên cạnh đó, việc chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT cũng được tỉnh nhà quan tâm, nhiều tiến bộ KHKT mới được áp dụng vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đến nay, các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao đã được các địa phương trong tỉnh áp dụng hầu hết trên các loại cây trồng chính của tỉnh. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình có hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình hoa lan Dendrobium cho năng suất bình quân khoảng 33.000 bó lan/ha/ năm và 40.000 chậu lan/ha/năm, thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/ha/ năm, lợi nhuận bình quân khoảng 600 - 700 triệu đồng/ha/năm. Mô hình cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi), sau 3 - 4 năm trồng cho thu hoạch, năng suất bình quân từ 20 - 60 tấn/ha, lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng/ha/năm…

Qua nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm từ thực tế trong sản xuất nông nghiệp, bà Vũ Thị Huê, ở xã An Bình, huyện Phú Giáo nhận thấy mô hình sản xuất trong nhà kính đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng dưa lưới trong nhà kính. Trên diện tích 2.000m2, gia đình bà đã đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng nhà kính trồng 4.000 gốc dưa lưới. Trong vụ đầu thu hoạch, sản lượng dưa lưới của bà đạt trên 5 tấn; với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí đã mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/vụ.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện có 80% trang trại chăn nuôi gà và gần 40% chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy trình ứng dụng CNC, mang lại giá trị cao so với chăn nuôi truyền thống. Hiện nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi đều đầu tư sử dụng giống mới, hệ thống chuồng lạnh tập trung gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, sử dụng thiết bị chăn nuôi tự động… Từ đó hạn chế được dịch bệnh, giảm tiêu tốn thức ăn, chi phí lao động, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Hiện các trang trại chăn nuôi gà cho thu nhập bình quân khoảng 300 - 400 triệu đồng, chăn nuôi heo khoảng 400 - 450 triệu đồng.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành

Giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp của tỉnh thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, đó là: Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, giá trị gia tăng cao, ứng dụng tiến bộ KHCN và chuyển đổi mô hình sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Bình Dương phấn đấu tăng giá trị gia tăng ngành nông - lâm và thủy sản bình quân 2,2%/năm; giá trị sản xuất khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha/ năm vào năm 2020, riêng nông nghiệp CNC bình quân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Hiện nay, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng CNC để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh chú trọng việc phát triển vườn cây ăn quả đặc sản ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gắn với du lịch sinh thái. Đối với vùng cây ăn trái tập trung ở các huyện phía bắc của tỉnh, sẽ gắn với công nghiệp chế biến. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng CNC, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2016- 2020; theo đó sẽ hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định. Đối tượng là các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân, các trung tâm, viện, trường... nghiên cứu KHCN, chuyển giao công nghệ.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2016-2020. Ngành cũng từng bước quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu...

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=531
Quay lên trên