Hàng ngày chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy cảnh có người thản nhiên hút thuốc lá ở bến xe, bệnh viện, trường học, công sở… Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực đã hơn một năm và Nghị định 176 quy định cụ thể mức phạt cũng áp dụng từ ngày 31-12-2013.
Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31-5), ngay từ những ngày đầu tháng 5, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh đã cho treo băng-rôn, biểu ngữ để kêu gọi cấm hút thuốc lá, hút thuốc lá có hại cho sức khỏe… Nhiều bệnh viện khác cũng tuyên truyền mạnh mẽ về tác hại của thuốc lá trong suốt tháng 5. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại hàng ghế ngồi chờ khám hay chờ lấy trả viện phí, tại ghế đá trong sân bệnh viện vẫn có cảnh nhiều người phì phèo điếu thuốc trên môi. Có lần hỏi một người cha trẻ tuổi đang ẵm con bị bệnh vẫn thỉnh thoảng hút thuốc rằng sao anh hút khi có biển cấm hút thuốc trong bệnh viện, anh cho biết: “Do thói quen và chờ kết quả hồi hộp quá nên hút thuốc cho đỡ căng thẳng”. Không chỉ nam giới, nhiều phụ nữ cũng hút thuốc theo thói quen và ở nơi công cộng, họ không vẫn không… nhịn được. Một lần khác, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi gặp một bác gái khoảng ngoài 70 tuổi đang hút thuốc lá. Bà đang chờ khám bệnh vẫn hút thuốc lá thản nhiên. Khi hỏi bà sao hút lá nhiều thế, không sợ bệnh hay sao, bà trả lời: “Tôi có thâm niên hút thuốc lá gần 40 năm nay, không thấy ai nói gì hay phạt tiền gì cả! Sức khỏe thì ai già chẳng bệnh!”.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng chia sẻ; bệnh viện có treo những bảng cấm hút thuốc, thỉnh thoảng vẫn có người nhắc nhở nhưng đúng là khó thật! Còn xử phạt thì chưa ai làm nên người nhà bệnh nhân hay chính bệnh nhân đi khám bệnh, chờ lấy kết quả vẫn hút thuốc. Cũng có nhiều người, khi được nhắc nhở, họ hút thuốc tại căng- tin của bệnh viện hoặc đứng hút thuốc ở vỉa hè chứ không vào khuôn viên bệnh viện.
Ở bệnh viện còn thế, ở bến xe tình trạng hút thuốc còn nhiều hơn. Một chị bán báo và thuốc lá gần Bến xe khách Bình Dương cho biết chị vẫn bán bình thường và người ta vẫn mua hút chứ có thấy ai nhắc nhở hay phạt gì đâu. Thử dò hỏi các tài xế xe khách liên tỉnh hoặc xe bus, họ nói chỉ cấm trên xe, khi xe chạy còn khách hút ở sân bến xe thì… bó tay, làm sao nói được! Nhiều người khách đi trên xe khi châm thuốc được nhắc nhở lại cằn nhằn rất khó chịu.
Tác hại của hút thuốc lá, của cả việc hút thuốc thụ động ai cũng biết nhưng nếu chuyện phạt về vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn không đến nơi đến chốn như thế thì luật cấm cứ cấm và người hút cứ hút. Nên chăng, mọi người ý thức hơn và “nói không với thuốc lá” may ra mới giữ cho môi trường công cộng trong lành, không có khói thuốc được.
Điều 11, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định cơ sở y tế là một trong những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hoàn toàn bao gồm ô tô, máy bay, tàu điện. Nghị định 176 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 31-12-2013 cũng quy định: Người có hành vi hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm hút thuốc, bỏ tàn thuốc không đúng nơi quy định sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.
QUỲNH NHƯ