Iraq: Khoảng trống mênh mông

Cập nhật: 18-10-2011 | 00:00:00

Hơn 41.000 lính Mỹ sẽ rút quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011, chấm dứt hơn 8 năm Mỹ phát động cuộc chiến tranh chống Iraq. 

Thông tin trên được Thư ký báo chí của Lầu Năm góc, ông George Little, tiết lộ trên các phương tiện truyền thông Mỹ. Theo đó, hơn 41.000 lính Mỹ còn đồn trú tại Iraq sẽ rút quân theo lộ trình mà 2 chính phủ đã thỏa thuận từ năm 2008.

Chỉ còn 157 lính chính quy sẽ được bố trí trong Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad, bất chấp những quan ngại về tình hình an ninh ngày càng tăng tại quốc gia này.

Quyết định trên được đưa ra sau khi một loạt cuộc đàm phán giữa Mỹ và các nhà lãnh đạo Iraq về việc rút quân đội Mỹ khỏi Iraq lâm vào bế tắc.

Mấu chốt của vấn đề ở tranh cãi quanh việc lính Mỹ có được miền trừ hay không.

Sự miễn trừ là một vấn đề nhạy cảm đối với người Iraq, những người bị Mỹ và liên quân lạm dụng suốt hơn 8 năm qua.

  Mỹ đang thực hiện các giai đoạn rút quân khỏi Iraq.

Chính giới Iraq khẳng định không miễn trừ cho bất kỳ người lính Mỹ nào, trong khi quan chức Mỹ cho biết họ muốn các điều khoản bảo vệ tương tự như những quy định trong thỏa thuận hiện hành, ví dụ binh sĩ Mỹ phạm tội trong khi làm nhiệm vụ sẽ được xử theo luật Mỹ chứ không phải luật pháp Iraq.

Ngoài ra, tranh chấp nội bộ trong chính quyền chia sẻ quyền lực của Thủ tướng Nuri al-Maliki cũng là nguyên nhân khiến các quyết định quan trọng từ Iraq luôn bị cản trở.

Bạo lực liên tục leo thang

Theo thống kê của Lầu Năm góc, kể từ khi phát động cuộc chiến tại Iraq tháng 3-2003 đến ngày 12-10-2011, đã có 4.477 lính Mỹ bị thiệt mạng và 32.209 lính bị thương, hàng trăm nghìn lượt lính Mỹ phải vào viện điều trị các chứng bệnh tâm lý khác.

Một cuộc điều tra mới đây cho thấy, trong số gần 2.000 cựu chiến binh được hỏi thì có 33% cho rằng, cuộc chiến tại Iraq là hoàn toàn không cần thiết, với chi phí quá cao và không mang lại bất kỳ lợi ích về mọi mặt cho nước Mỹ.

Gần một nửa trong số các cựu binh sĩ này còn cho biết, họ gặp nhiều khó khăn khi quay trở lại cuộc sống thường ngày của mình. Trong khi đó, có tới 45% người dân Mỹ không làm việc trong quân đội cho biết, không ủng hộ cuộc chiến này.

Bạo lực tại Iraq gia tăng kể từ khi quân đội Mỹ tổ chức rút phần lực lượng khỏi Iraq.

Ngày 15-8-2011, đúng vào thời điểm tháng chay Ramadan, vốn trước nay tương đối yên bình, Iraq đã hứng chịu hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra tại 17 thành phố, khiến ít nhất 66 người thiệt mạng và hơn 230 người bị thương.

Mới đây, hôm 12-10-2011, 2 vụ đánh xe bom liều chết và một vụ đánh xe bom nhằm vào cảnh sát đã xảy ra tại Baghdad, làm ít nhất 14 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương.

Các vụ trên cho thấy, các phần tử đánh bom có khả năng tấn công nhiều mục tiêu tại Baghdad trong bối cảnh lính Mỹ chuẩn bị rút quân trước thời điểm cuối năm 2011.

Theo nhận định của tình báo Mỹ và Iraq, phiến quân Hồi giáo dòng Sunni có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và các tay súng dòng Hồi giáo Shi’ite là một nguy cơ lớn khi những binh sỹ Mỹ cuối cùng rời Iraq.

Theo Đất Việt

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=234
Quay lên trên