Ngày 13-1, cựu Thủ tướng Italy Atteo Renzi đã bất ngờ rút đảng của mình khỏi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Giuseppe Conte, đẩy chính trường nước này vào cơn khủng hoảng chính trị mới giữa lúc đất nước đang đối mặt với trăm bề khó khăn.
Quyết định rút khỏi liên minh của ông Renzi đã khiến cho chính phủ của Thủ tướng Conte lâm vào tình trạng yếu đuối mỏng manh, bởi liên minh chính phủ của ông Conte hiện không còn đủ số lượng để duy trì thế đa số tuyệt đối ở cả Hạ viện và Thượng viện. Hai bộ trưởng thuộc đảng Italia Viva của ông Renzi là Teresa Bellanova và Elena Bonetti đã từ chức.
Việc ông Renzi rút khỏi liên minh cầm quyền đã được nhiều người quan tâm theo dõi từ vài tuần trước khi liên minh xuất hiện rạn nứt giữa đảng Italia Viva với Thủ tướng Conte xung quanh một loạt vấn đề trong điều hành kinh tế, xã hội đất nước, trong đó nổi cộm nhất là cách xử lý tình hình đại dịch COVID-19 và kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Ông Matteo Renzi tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền.
Tuy nhiên, khi ông Renzi đưa ra quyết định, giới quan sát vẫn cảm thấy như một “cú sốc”, bởi việc đẩy Chính phủ Italy vào tình trạng khủng hoảng vào thời điểm hiện nay là một hành động rất nguy hiểm. Đại dịch COVID-19 đang bùng phát làn sóng thứ hai thậm chí còn mạnh hơn làn sóng thứ nhất gấp bội, khiến đất nước đối mặt nhiều khó khăn, đời sống người dân cũng khó khăn hơn trước nhiều do phải áp dụng các biện pháp phong tỏa khiến kinh tế vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn và tình trạng lây nhiễm lan rộng.
Giới phân tích cho rằng ông Conte hiện còn rất ít chọn lựa để cứu vãn cơ may chính trị của mình. Ông có thể nộp đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella và sau đó Tổng thống sẽ lại giao cho ông quyền thành lập liên minh chính phủ mới. Hoặc ông cũng có thể yêu cầu 2 viện của Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm để chính phủ của ông tiếp tục hoặc không tiếp tục tồn tại.
Trong trường hợp thứ hai này, người ta băn khoăn không biết ông Renzi có hội đủ số phiếu ủng hộ hay không sau khi mất đi sự ủng hộ của 18 nghị sĩ đảng Italia Viva. Một giải pháp nữa, đó là các đảng phái trong liên minh hiện tại thành lập một liên minh chính phủ mới với thủ tướng là một người khác, không phải ông Conte.
Trường hợp các giải pháp trên đều không thực hiện được, Tổng thống Mattarella có thể sẽ đích thân triệu tập tất cả các đảng phái chính trị để lập ra một chính phủ đoàn kết quốc gia với một liên minh rộng khắp. Nếu việc này cũng không thành công, Tổng thống sẽ triệu tập một cuộc bầu cử sớm.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi đưa ra quyết định trên, ông Renzi đã tự đánh giá đó là một “hành động can đảm” của ông khi rút khỏi liên minh cầm quyền vào lúc này. Ông chỉ trích chính phủ của ông Conte đã không hành động đủ quyết liệt để giải quyết nhiều vấn đề của đất nước trong các lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục cho đến hệ thống hạ tầng cũng như đại dịch COVID-19.
Từ cuối năm 2019, ông Renzi đã bắt đầu gia tăng áp lực lên Thủ tướng Conte trong nhiều vấn đề điều hành kinh tế đất nước, chỉ trích Thủ tướng Conte thâu tóm quá nhiều quyền lực trong tay và kịch liệt phản đối kế hoạch quản lý và chi tiêu gói viện trợ khôi phục kinh tế của EU trị giá 196 tỉ euro. Ông cho rằng sau khi gây áp lực, tình hình có vẻ khá hơn nhưng ông muốn chính phủ của ông Conte phải làm nhiều hơn thế nữa, nhất là trong lĩnh vực y tế với Cơ chế ổn định châu Âu của EU.
Đảng Italia Viva của ông Renzi chỉ là một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền cùng với 2 đảng lớn là Phong trào 5 Sao (M5S) và Dân chủ (PD) nhưng do tình hình tỉ lệ đại biểu các đảng phái trong Quốc hội rất khít khao, số chênh lệch nhau rất sát nên vai trò của Italia Viva trở nên hết sức quan trọng. Sự rút lui của đảng này vì thế tác động mạnh lên sự tồn tại của liên minh.
Ông Renzi tuyên bố để ngỏ khả năng quay trở lại liên minh cầm quyền nếu ông Conte đáp ứng các yếu cầu do đảng Italia Viva đưa ra. Ông nói rằng đảng của ông ủng hộ một liên minh chính phủ mới do ông Conte làm thủ tướng nhưng sẽ không tham gia liên minh nếu có sự tham gia của đảng Liên đoàn phương Bắc của ông Matteo Salvini. Tuy nhiên, Thủ tướng Conte đã bác bỏ đề nghị của ông Renzi, tuyên bố rằng “những gì đã xảy ra thì không thể hủy bỏ được”. Theo sau tuyên bố đó, loạt các đảng phái quan trọng trong liên minh cầm quyền như M5S và PD đều đã từ chối tiếp tục làm việc với ông Renzi.
Đây là lần thứ hai ông Renzi đưa ra động thái chính trị gây căng thẳng trong liên minh cầm quyền. Lần trước khi ông gây áp lực lên Thủ tướng Conte vào cuối năm 2019, liên minh cầm quyền cũng suýt tan rã nhưng các đảng trong liên minh đã kịp thời cứu vãn. Khi đó ông lập luận rằng hành động của ông là nhằm ngăn chặn ông Conte thâu tóm quá nhiều quyền lực trong việc chi tiêu gói viện trợ của EU. Lần này, khi hành động được đưa ra trong lúc đất nước đang trong đợt “khủng hoảng kép” do COVID-19 và suy thoái kinh tế, ông Renzi đã bị nhiều giới chỉ trích là hành động “vô trách nhiệm”. Lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền Nicola Zingaretti cho rằng hành động rút khỏi liên minh của ông Renzi là một “sai lầm chính trị nghiêm trọng”.
Hiện tại, Quốc hội Italy đang tiến hành quy trình bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Conte. Hạ viện bỏ phiếu hôm 18-1 và Thượng viện là ngày 19-1. Kết quả 2 cuộc bỏ phiếu này sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Như đã phân tích ở trên, nếu Quốc hội Italy bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, ông Conte sẽ tự động từ chức và tiến trình thành lập một liên minh mới sẽ được kích hoạt.
Theo CAND