Khi Ấn Độ tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào phút chót, Thủ tướng Narendra Modi đã đề cập tới tác động đối với những người nghèo nhất trong số những người nghèo ở Ấn Độ và viện tới lời khuyên của cố Thủ tướng Gandhi để giải thích cho quyết định của mình.
Ông Gandhi từng đưa ra lời khuyên nổi tiếng, đại ý rằng hãy nghĩ tới lợi ích của những người yếu thế trong xã hội khi do dự trước một quyết định nào đó.
Đổi lại, ông Modi đã tập trung vào một loạt vấn đề khác mà ông cho là có lợi hơn. Ông ủng hộ việc trợ cấp tiền mặt trực tiếp nhằm tránh khỏi tình trạng thất thoát do tham nhũng quan liêu bằng cách cung cấp dịch vụ ngân hàng cho những người nghèo nhất đất nước.
Nhờ có ông, những gia đình trước đây dựa vào củi và dầu hỏa để nấu ăn đã có thể chuyển sang sử dụng gas. Những bé gái kém may mắn được miễn học phí và phát sách giáo khoa miễn phí và khi đến tuổi kết hôn, họ sẽ được tặng một món quà bằng tiền mặt gửi vào tài khoản ngân hàng của họ.
Thủ tướng Modi đang tìm hướng cải cách lĩnh vực nhạy cảm của Ấn Độ là nông nghiệp.
Tất cả những điều này, cùng với sự xáo trộn trong hàng ngũ của phe đối lập, đã giúp ông tái đắc cử với đa số lớn hơn trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019, củng cố vị thế của ông trong lòng các cử tri thuộc các nhóm tuổi, giới tính và cộng đồng. Hàng triệu phụ nữ Hồi giáo được cho là đã bỏ phiếu cho ông. Hiện ông Modi đang tìm cách tiến hành cải cách lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực cải cách được cho là nhạy cảm nhất ở một quốc gia nơi có 2/3 người dân sinh sống ở nông thôn.
Cùng lúc 3 dự luật mới được ban hành đã thay đổi các quy định tồn tại suốt nhiều thập niên qua về việc bán, định giá và cất trữ nông sản - đồng thời cũng để cho nông dân Ấn Độ cọ xát với thị trường tự do. Trên thực tế, các bên mua tư nhân giờ đây có thể cất trữ - hoặc tích trữ - các mặt hàng thiết yếu để bán trong tương lai, điều mà trước đó chỉ các đại lý được chính phủ ủy quyền mới được phép làm.
Hầu hết nông dân Ấn Độ hiện bán phần lớn sản phẩm của họ tại các chợ đầu mối do chính phủ kiểm soát, với mức giá sàn được bình ổn, gọi là giá hỗ trợ tối thiểu (MSP). Một trong những thay đổi lớn nhất là nông dân sẽ được phép bán sản phẩm của họ với mức giá thị trường trực tiếp cho các bên tham gia tư nhân, trong đó có các chuỗi siêu thị và cửa hàng nông sản trực tuyến.
Ban đầu, các quy định mới này dưới dạng các sắc lệnh hành pháp nhưng khi chính quyền ông Modi tìm cách biến chúng thành dạng luật được Quốc hội ban hành, thì bắt đầu vấp phải sự phản ứng. Nông dân lo ngại rằng các quy định này sẽ chấm dứt chế độ bình ổn giá và các doanh nghiệp lớn sẽ chèn ép họ về giá cả, mặc dù chính phủ đã khẳng định hệ thống chợ đầu mối được kiểm soát và MSP sẽ vẫn được duy trì. Các cuộc biểu tình diễn ra mạnh mẽ nhất ở những bang nông nghiệp lớn như Punjab và Haryana, vốn được hưởng phần lớn lợi ích từ MSP.
Một trong những hệ quả của MSP, đó là tình trạng sản xuất ngũ cốc chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Thêm nữa, chi phí đưa hàng hóa đến tay khách hàng của nông sản nhập khẩu từ Australia thậm chí còn rẻ hơn so với ngũ cốc được vận chuyển từ phía Bắc Punjab tới một trong những bang phía Nam Ấn Độ bởi những bất cập trong phân phối này.
Tuy nhiên, cách thức Quốc hội nước này vội vàng thông qua các dự luật này, nhất là Thượng viện, nơi đảng của ông Modi không giành được đa số, nơi các dự luật được thông qua bằng cách hô to “có” hoặc “không”, đã làm dấy lên những nghi ngờ sự về sự thống nhất trong điều hành, cùng với đó là nỗi lo sợ có thật của những người nông dân rằng đây là ý đồ “đi cửa sau” để rút lại MSP và dừng chương trình mua ngũ cốc của chính phủ.
Theo đánh giá của các nhà quan sát, dù ông Modi có tỏ ra “thiếu tế nhị” trong việc thúc đẩy thông qua các đạo luật nông nghiệp này nhưng quả thật đây cũng là những đòi hỏi cấp thiết đối với Ấn Độ. Trong bối cảnh tỷ lệ phụ thuộc (tỷ lệ giữa số dân phụ thuộc trong độ tuổi từ 0-14 và trên 65 tuổi so với số dân trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi) dự kiến sẽ thay đổi trong năm 2030 và hệ thống gia đình nhiều thế hệ đang dần sụp đổ khi các gia đình hạt nhân trở nên phổ biến, Ấn Độ sẽ phải dành rất nhiều nguồn lực cho mạng lưới an sinh xã hội để bảo vệ nhóm người cao tuổi.
Điều này đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải từ bỏ dần các khoản trợ cấp như MSP mà, theo một số ước tính, chiếm gần một nửa chi tiêu ngân sách. Giải pháp thay thế cho việc đó là đánh thuế cao.
Ngoài khuynh hướng thực thi được cho là hơi vội vàng những quyết định nhằm mục đích tốt thì một điểm được cho là yếu của chính quyền ông Modi là sự thiếu hiệu quả trong truyền thông. Điều này xuất phát từ sự tin tưởng tuyệt đối rằng ông có thể qua mặt những người đứng đầu trong giới truyền thông quốc gia ở New Delhi, vốn bị ông coi thường, để tiếp cận tới hàng triệu người dân Ấn Độ thông qua mạng xã hội và các chương trình phát thanh hàng tháng.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên rất được ca ngợi của ông Manmohan Singh, sự hiện diện của Sanjaya Baru, biên tập viên, nhà địa kinh tế được trọng vọng, trong giới thân cận của ông Singh với tư cách một cố vấn truyền thông xuất sắc là một trong những khía cạnh ít được đánh giá đúng mực trong thời kỳ kế tiếp hiện nay. Bên cạnh ông Modi hiện tại, không có một ai như Baru và có vẻ như ông cũng không muốn như vậy.
Theo những dự đoán, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chắc chắn sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này nhưng tổn thất cũng sẽ là chắc chắn. Ngoài việc ông phải đối mặt với cuộc nổi dậy quần chúng đầu tiên trên quy mô lớn thì đảng Akali Dal ở Punjab, một trong những đồng minh lâu đời nhất của đảng Nhân dân cầm quyền, đã rời khỏi nội các của ông. Sẽ là một bài toán khó của ông Modi trước mắt.
Theo CAND