Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tháng 12 vừa qua tại đất nước của dầu mỏ và hoa hậu đã phơi bày những tổn thất chính trị nặng nề của cả Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro cũng như thất bại rõ ràng của các cường quốc bên ngoài trong chiến lược sử dụng quân cờ đối lập.
Sau khi giành chiến thắng tại cơ quan lập pháp, Tổng thống Maduro sẽ kiểm soát không gian thể chế duy nhất từng nằm ngoài tầm với của họ. Song, không phải như thế là mọi việc đã xong.
Ngày 5-1-2021, chính quyền ông Maduro sẽ chính thức nắm quyền kiểm soát Quốc hội đơn viện, thể chế cuối cùng đang nằm trong tay phe đối lập. Với việc cơ quan lập pháp này thay đổi hàng ngũ theo nhiệm kỳ, thủ lĩnh đối lập Juan Guaidó sẽ đánh mất quân bài hợp hiến vốn là yếu tố cốt lõi trong chiến dịch của ông này, chưa kể tới quyền miễn trừ của nghị sĩ - điều làm tăng khả năng viễn cảnh một Juan Guaidó tị nạn trở thành hiện thực.
Phe đối lập ở Venezuela phải chuyển sang một giai đoạn mới và những thế lực ủng hộ từ bên ngoài buộc phải tìm một chiến lược mới. Tổng thống đương nhiệm Maduro và lực lượng ủng hộ đã duy trì được sau chiêu bài Guiadó nhưng phải chịu tổn thất chính trị nằng nề hơn bao giờ hết: Mức độ ủng hộ của quần chúng đối với họ đang ở mức thấp nhất kể từ khi ông Maduro lên cầm quyền và khả năng vận động quần chúng của đảng Chủ nghĩa xã hội thống nhất (PSUV) bị suy giảm đáng kể.
Trong lĩnh vực kinh tế, chính quyền ông Maduro đang cố gắng ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế quốc gia bằng chiến lược cấp tốc tư hữu hóa và đô la hóa - điều được cho là sẽ tác động tiêu cực tới các mối liên kết trong xã hội Venezuela hiện nay.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro bắt tay người ủng hộ.
Một điều đáng nói, số liệu nổi bật nhất trong cuộc bầu cử vừa qua không phải là tỷ lệ ủng hộ phe cầm quyền lên tới 67%, mà là con số 70% số cử tri đang ký vắng mặt, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2005, khi phe đối lập truyền thống quyết định không tham gia tranh cử. Việc trì hoãn tới mức đáng ngạc nhiên giờ đóng cửa các điểm bỏ phiếu, cùng với sức ép nhất định của bộ máy vận động tranh cử cho phép cầm quyền, cho thấy ngay cả con số khiêm tốn 30% cử tri đi bỏ phiếu cũng đã là nỗ lực trầy trật của PSUV.
Theo số liệu chính thức, phe cầm quyền giành được hơn 4 triệu phiếu bầu, kém 25% so với lượng phiếu thu được vào năm 2015 và ít hơn gần 50% so với cuộc bầu cử quốc hội lập hiến năm 2017. Phe đối lập truyền thống, được gọi là G4 (nhóm gồm 4 chính đảng là Ý nguyện nhân dân, Công lý trước tiên, Thời đại mới và Hành động dân chủ) đã viện cớ có nhiều thiếu sót và điều kiện bỏ phiếu để đưa ra quyết định không tham gia cuộc bầu cử quốc hội vừa qua và kêu gọi người dân tẩy chay cuộc bầu cử.
Trong khi đó, phe cầm quyền, vốn bị nghi ngờ có tác động nhằm thay đổi đội ngũ lãnh đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, đã can thiệp qua con đường tư pháp vào các đảng đối lập chính nhằm thay đổi giới chóp bu của các tổ chức này.
Thế nhưng, tỷ lệ 70% cử tri vắng mặt lại cũng không phải là chiến thắng của phe đối lập truyền thống. Nhà nghiên cứu chính trị Marisela Betancourt thuộc Đại học Los Andes (Venezuela) nhận định: “Số lượng đáng kể cử tri vắng mặt đó chính là những người ủng hộ tư tưởng Chávez, cho dù họ bị ngó lơ trong mọi diễn văn và cả trong chiến lược chính trị của phe đối lập”. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác, đó là phần lớn người dân Venezuela giờ đây tự cảm thấy mình nằm ngoài các tiến trình chính trị.
Bà Bentancourt cho biết: “Venezuela giờ đây là một xã hội mệt mỏi vì những xung đột và tranh cãi trên chính trường và đang trở nên phi chính trị”. Theo một cuộc thăm dò do hãng Datanálisis tiến hành hồi tháng 10 vừa qua, có tới 60% người dân Venezuela cho biết họ không ủng hộ cả phe cầm quyền lẫn phe đối lập.
Chuyên gia phân tích Marco Ponce của Đài quan sát xung đột xã hội Venezuela - tổ chức mang chức năng phản biện xã hội mạnh - giải thích: “Ở Venezuela, người dân chỉ quan tâm đến việc sinh tồn mỗi ngày và chạy ăn từng bữa. Họ không quan tâm tới đời sống chính trị và các cuộc biểu tình”.
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ này, có tới 93% trong số gần 1.500 cuộc biểu tình diễn ra trong tháng 10 là để đòi hỏi các quyền lợi xã hội và kinh tế cụ thể như yêu cầu có điện, khí đốt và nước sạch, hay để phản đối việc sức mua của đồng lương tối thiểu sụt giảm - mà theo giá chợ đen hiện tại chỉ còn tương đương 2USD/tháng - chứ không hoàn toàn mang màu sắc chính trị như người ta vẫn tưởng.
Trước sự thờ ơ và thiếu tích cực của người dân, thể hiện rõ nét qua tỷ lệ lớn cử tri không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, cũng như sự phân hóa sâu sắc của phe đối lập, thì Chính phủ Venezuela đang được cho là “trong trạng thái yên ổn nhất” nhiều năm qua. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử vừa rồi cũng là một lời cảnh báo rất cụ thể. Ổn định tình hình, phát triển đất nước và lấy lại niềm tin cho nhân dân luôn là công việc quan trọng nhất của mọi thế lực cầm quyền, cho dù được tạo dựng thế nào đi chăng nữa.
Theo CAND