Nếp sống văn minh đô thị (VMĐT) chỉ có được nếu như quá trình đô thị hóa được lập kế hoạch tốt với một chiến lược phát triển đô thị tối ưu, kết hợp với quản lý đô thị hiệu quả. Điều quan trọng là cần thay đổi các điều kiện sống, lao động của người dân đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, tiến bộ, cũng như chú trọng xây dựng các quy tắc, chuẩn mực đô thị dựa trên pháp luật, lấy pháp luật làm nền tảng.
Thực tế cho thấy, lối sống của một người, một cộng đồng luôn chịu sự quy định, tác động mạnh mẽ của điều kiện nơi con người sống. Tuy lối sống bị quy định bởi các quan hệ vật chất - thực tiễn của con người, nhưng con người lại góp phần làm thay đổi các điều kiện, môi trường sống. Phần lớn các yếu tố quy định, tác động đến lối sống đều do con người tạo ra. Đó là điều kiện sống và lao động ở đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đô thị; điều kiện ăn, mặc, ở; các dịch vụ văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế...
Quá trình đô thị hóa hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết xây dựng nếp sống VMĐT, không những để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn bảo đảm phát triển đô thị bền vững. Đây là quá trình lâu dài, khó khăn và phức tạp, cần kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, vừa tuân thủ những kế hoạch, phương hướng mang tính chiến lược lâu dài, vừa chú trọng thực hiện những biện pháp, hoạt động cụ thể, giải quyết từng vấn đề nảy sinh.
Trong xây dựng nếp sống VMĐT, rất cần sự chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo của các chủ thể lãnh đạo, quản lý đô thị. Bởi, một hệ thống chính sách phát triển đô thị, dù chi tiết đến mấy cũng không thể luôn sát hợp với cuộc sống đang đổi thay hàng ngày, hàng giờ. Vì vậy, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền đô thị, tăng cường hiệu quả lãnh đạo và quản lý phát triển đô thị, cũng như tăng cường sự tham gia của quần chúng nhân dân luôn là điều tiên quyết trong quá trình xây dựng văn hóa, lối sống đô thị.
Để xây dựng nếp sống VMĐT, cần phát huy vai trò quan trọng của hệ thống giáo dục - đào tạo, vốn là thế mạnh của các đô thị hiện nay. Bên cạnh đó là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy tinh thần tự quản của người dân tại các cộng đồng dân cư trong xây dựng lối sống đô thị. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, rộng rãi của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng… để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp sức xây dựng VMĐT.
Xây dựng nếp sống VMĐT không phải là một công việc nhất thời mà là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác với những bước đi, cách làm cụ thể phù hợp trong từng giai đoạn và bối cảnh cụ thể. Phát triển đô thị bền vững sẽ tạo điều kiện để xây dựng nếp sống VMĐT. Ngược lại, việc hình thành nếp sống văn minh, tiến bộ sẽ tác động tích cực đến sự phát triển đô thị bền vững.
HỒ VĂN