Góp phần xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá hàng hóa. Đây là hoạt động được ngành công thương của tỉnh hướng đến trong chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa hiện nay.
Xây dựng nguồn cung an toàn
Đại diện Sở Công thương cho biết, bên cạnh việc bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân về lương thực, thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm, trứng và các sản phẩm thực phẩm chế biến góp phần bình ổn thị trường với giá cả phù hợp, chương trình kết nối cung - cầu có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm đạt chuẩn an toàn để có thể đưa vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị đến cửa hàng, chợ truyền thống, kể cả việc giới thiệu sản phẩm sạch đến nhà hàng, công ty sản xuất, kinh doanh suất ăn công nghiệp. Tuy số lượng, chủng loại hàng hóa và DN tham gia chương trình kết nối cung - cầu hiện chưa nhiều nhưng rất nhiều sản phẩm thực phẩm, hàng tiêu dùng của DN trong tỉnh đã đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, việc kết hợp giữa chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa và chương trình bình ổn thị trường với nhau sẽ là yếu tố kích thích DN mới tham gia chương tình, mang lại hiệu quả cao hơn, thông qua xây dựng nguồn cung an toàn và sản phẩm hàng hóa đa dạng.
Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa nhà phân phối, DN sản xuất góp phần xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn cho người dân trong tỉnh. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua sản phẩm an toàn tại siêu thị Co.opmart Bình Dương. Ảnh: TRÚC HUỲNH
Không chỉ dừng lại việc cung cấp hàng hóa với giá hợp lý, các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, thực phẩm chế biến, các loại thịt gia cầm… đang được các DN đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân cho biết, hiện công ty đang đầu tư tại Bình Dương hệ thống thiết bị tự động hóa, xử lý trứng sạch đến 99,9% theo tiêu chuẩn quốc tế. Trứng gà và các sản phẩm gia cầm, thực phẩm chế biến từ gia cầm được Ba Huân phân phối tới các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng trên khắp cả nước. Việc Ba Huân tham gia chương trình kết nối cung - cầu lần này nhằm tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn sản phẩm, phương thức cung ứng tiêu thụ sản phẩm để từng bước nâng cao khả năng cung ứng, gắn kết với nhiều đơn vị hợp tác tiềm năng để phân phối các sản phẩm thực phẩm với giá bình ổn và nằm trong chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về phía các nhà phân phối, ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Bình Dương cho hay, nhiều loại sản phẩm thực phẩm, nông sản của Bình Dương đạt chất lượng rất tốt. Co.opMart mong muốn các địa phương, cơ sở sản xuất cần đẩy mạnh liên kết, giới thiệu nguồn hàng, hỗ trợ nhà phân phối rút ngắn khâu vận chuyển để có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản của tỉnh đến người tiêu dùng.
Cần những sản phẩm uy tín
Bà Nguyễn Thị Hai, ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An chia sẻ: “Không chỉ có tôi mà nhiều người tiêu dùng khác đều rất quan tâm đến những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, hóa mỹ phẩm... Chính vì vậy, khi đến chợ truyền thống hay kênh siêu thị tôi đều chú ý tìm mua sản phẩm có uy tín. Tôi mong muốn cơ quan chức năng, nhà cung cấp bằng nhiều biện pháp phối hợp để mang đến cho thị trường những sản phẩm rõ ràng nguồn gốc, chất lượng, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng”.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Trưởng ban Quản lý chợ Thủ Dầu Một, chợ Thủ Dầu Một là một trong những chợ trung tâm của tỉnh, là nơi cung cấp các sản phẩm vùng miền nhiều nhất. Vì thế, khách hàng có nhiều lựa chọn sản phẩm và cũng đòi hỏi những sản phẩm mới, uy tín và an toàn. Đặc biệt, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, nên nhiều người hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều nhà sản xuất trong nước đưa ra thị trường các sản phẩm uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý. Điều quan trọng là cần có sự kết nối hiệu quả giữa bên cung và bên cầu sản phẩm, nhằm bảo đảm có sự phát triển ổn định của DN và tạo được niềm tin lâu dài ở người tiêu dùng.
Thời gian qua, công tác phối kết hợp giữa ngành nông nghiệp và ngành công thương của tỉnh trong vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm nông sản được sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm. Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện vấn đề kết nối cung - cầu giữa người sản xuất, nhà phân phối đến tay người tiêu dùng vẫn còn là mối quan hệ chưa khăng khít. Lý do là những năm qua khâu liên kết trong sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, người sản xuất đã quan tâm đến nguồn nguyên liệu chất lượng, sản phẩm được làm ra từ nông nghiệp, cộng với các DN sơ chế chế biến đạt về chất lượng nhưng việc kết nối giữa nhà phân phối và người tiêu dùng lại khá lỏng lẻo, nên nông dân gặp khó khăn về đầu ra, trong khi giá cả lại không ổn định. Để các DN có thể tham gia vào công tác bình ổn giá, bảo đảm truy suất nguồn gốc sản phẩm đạt chất lượng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các bên có liên quan, trong đó cần có sự kết nối mạnh mẽ từ phía nhà phân phối đến người tiêu dùng. Từ đó sẽ cung cấp nguồn hàng từ sơ chế đến chế biến đạt chất lượng, bền vững.
TRÚC HUỲNH