Với tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, TP.Tân Uyên có nhiều lợi thế để khai thác thúc đẩy du lịch phát triển. Thành phố đang triển khai nhiều hoạt động, giải pháp liên quan để khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng năm 2024
Phát huy lợi thế
Lợi thế của Tân Uyên là có sông Đồng Nai chảy qua, cùng với đó là những vườn trái cây xanh mát quanh năm. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 12 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh, hàng năm thu hút khoảng 40.000 lượt khách tham quan. Thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP.Tân Uyên được tỉnh chọn là điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn trên cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội.
Ông Võ Thái Cường, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Tân Uyên, cho biết để thúc đẩy du lịch phát triển, TP.Tân Uyên đã tổ chức thành công lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” vào các năm 2017, 2019 và 2024. Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ, đây còn là dịp để TP.Tân Uyên đa dạng các sản phẩm phục vụ du lịch. Với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, lượng khách đến với lễ hội đã tăng lên qua mỗi kỳ tổ chức. Riêng kỳ lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lần III - năm 2024, mỗi ngày thu hút hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là tham gia trải nghiệm du lịch đường sông, sinh thái.
Cũng theo ông Cường, các hộ dân tham gia trồng bưởi trên vùng đất cù lao Bạch Đằng cũng rất đồng tình với việc phát triển du lịch sinh thái. Vì thế, cùng với việc chăm chút nâng cao năng suất, chất lượng cho loại trái cây đặc sản của vùng đất này, người dân cũng quan tâm đầu tư cải tạo lại vườn cây, làm đường, chế biến thêm sản phẩm từ cây bưởi để phục vụ khách đến tham quan. Đây chính là tiền đề để du lịch Tân Uyên tiếp tục khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng, cho biết hiện nay hợp tác xã có 11 thành viên, tổng diện tích trồng bưởi khoảng 9,5 ha. Trong thời gian qua, các thành viên hợp tác xã rất quan tâm đến việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh của cù lao xứ bưởi đến với du khách gần xa. Ngoài trái bưởi, các thành viên còn chế biến thêm các sản phẩm từ trái bưởi, như rượu bưởi, nem bưởi, mứt bưởi, tinh dầu bưởi… phục vụ thị trường, đặc biệt là khách du lịch khi đến trải nghiệm, tham quan.
Triển khai nhiều giải pháp
Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo bước đột phá, thay đổi diện mạo, hình ảnh du lịch Tân Uyên trong thời gian tới, UBND TP.Tân Uyên đã xây dựng đề án “Phát triển du lịch TP.Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đề ra những định hướng và giải pháp cơ bản trong việc phát triển du lịch thành phố. Trên cơ sở đó, mới đây, UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Cùng với việc nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, TP.Tân Uyên sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục đề xuất hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch cũng được quan tâm đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến du lịch cũng được quan tâm đẩy mạnh thông qua nhiều kênh thông tin để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch đến với Tân Uyên.
Để Tân Uyên trở thành một điểm đến không thể thiếu đối với khách tham quan khi đến Bình Dương, ngoài những nhiệm vụ, giải pháp trên, ông Võ Thái Cường cho biết Tân Uyên cũng rất quan tâm đến việc huy động các nguồn lực phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Một trong những ưu tiên hàng đầu đó là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn, đặc biệt là xây dựng các bến cảng hành khách trên tuyến sông Đồng Nai kết hợp phục vụ khách du lịch tham quan.
CẨM LÝ