Khơi thông “điểm nghẽn” giao thông, tạo đà phát triển

Cập nhật: 16-01-2024 | 08:23:00

Trong giai đoạn mới, Bình Dương tập trung đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, hiện đại, mang tính kết nối vùng, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đang gặp một số khó khăn, thách thức, trong đó “điểm nghẽn” về hạ tầng cần tháo gỡ kịp thời.

Cần một hệ thống liên hoàn

Trong nhiều năm qua, Bình Dương đã chủ động đi trước trong phát triển hệ thống giao thông. Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được đánh giá là một điểm sáng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh bao gồm hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, giao thông nông thôn, tạo được sự liên kết về mặt địa lý giữa trung tâm tỉnh với các địa phương trên địa bàn, đồng thời kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia và các tỉnh, thành lân cận.

Để tạo động lực phát triển kinh tế, những năm qua Bình Dương đã đầu tư nhiều tuyến đường trọng điểm, kết nối vùng. Trong ảnh: Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả cao

Tuy vậy, với khối lượng hàng hóa xuất khẩu sản xuất tại các khu công nghiệp Bình Dương vẫn còn gặp khó trong lưu thông, sự liên kết về các trục giao thông đường bộ chính với các cảng lớn trong vùng như cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, tính kết nối và đồng bộ của giao thông đường bộ với các loại hình giao thông khác như đường sắt, đường thủy nội địa… còn thiếu, chưa phát huy hết hiệu quả khai thác hạ tầng giao thông. Việc phát triển giao thông thủy ở Bình Dương hiện nay không thuận lợi vì tuyến ngắn, sông Sài Gòn còn bị hạn chế bởi tĩnh không của cầu Bình Triệu 1, sông Đồng Nai bị ảnh hưởng bởi tĩnh không của cầu Đồng Nai 1 và các bãi đá ngầm…

Bình Dương có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như kết nối với các địa phương lân cận trong vùng, bao gồm: Quốc lộ 13 nối từ TP.Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Phước, kết nối với đường 14 (đường Hồ Chí Minh) và nối với Lộc Ninh, Bình Phước sang Campuchia; Mỹ Phước - Tân Vạn đi qua các khu công nghiệp lớn tại Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An; ĐT744 kết nối Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, ĐT741 kết nối Bình Dương với tỉnh Bình Phước…

Song song đó, với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao thời gian qua đã gây quá tải đối với vùng đô thị trung tâm liên quan trực tiếp đến TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, làm ảnh hưởng tới chất lượng phát triển, có nguy cơ làm chậm và giảm hiệu quả phát triển vùng trong tương lai nếu không được quan tâm đầu tư phát triển xứng tầm.

Theo đánh giá của KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội, Bình Dương không có kết nối giao thông trực tiếp với quốc tế, có khoảng cách tương đối xa các đầu mối giao thông vận tải quan trọng như cảng biển, đặc biệt cửa ngõ Bà Rịa - Vũng Tàu (khu bến Cái Mép, Thị Vải), cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh đã quá tải, thường xuyên ùn tắc trên các tuyến đường huyết mạch vào giờ cao điểm, làm tăng thời gian di chuyển giữa Bình Dương tới các cảng biển, sân bay quốc tế, tăng chi phí hậu cần cho nhà đầu tư. Kết nối giao thông giữa Bình Dương với các tỉnh liền kề còn hạn chế về số lượng và quy mô công trình, các cầu qua sông hạn chế về tĩnh không ảnh hưởng đến việc phát triển vận tải thủy.

Tạo đột phá phát triển

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hợp tác phát triển vùng là một trong 5 chiến lược tích hợp tạo điều kiện cho tỉnh bứt phá, cạnh tranh, tạo vị thế mới trong không gian rộng lớn hơn, hệ thống liên kết mạnh mẽ hơn. Thông qua sự phát triển đột phá của các liên kết vùng, kết hợp với thế mạnh, Bình Dương sẽ giữ vững vị thế, mở rộng tầm ảnh hưởng, trở thành cực tăng trưởng phía bắc của vùng Đông Nam bộ, vùng TP.Hồ Chí Minh, vươn ra khai thác hậu phương rộng lớn của vùng Tây nguyên, Lào, Campuchia. Trong điều kiện đó, tỉnh trở thành điểm đến ưa chuộng của doanh nghiệp toàn cầu, là địa phương tiên phong, tích cực trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường của vùng và quốc gia.

PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, đánh giá Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được biết đến như một tứ giác phát triển của vùng Đông Nam bộ với vị trí địa lý thuận lợi, logistics phát triển và hoàn thiện. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Phú Trần Tình, trước yêu cầu của sự phát triển, tỉnh Bình Dương cũng đang gặp nhiều nút thắt lớn, do vậy liên kết vùng hiệu quả sẽ giúp tỉnh giải quyết được các nút thắt trong quá trình phát triển nói chung và thực hiện thành công quy hoạch tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nói riêng. Sự liên kết đồng bộ trong đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gắn với các cụm cảng lớn cũng như nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Bình Dương - Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải là hết sức cần thiết, không chỉ vì sự phát triển của Bình Dương mà cho cả vùng kinh tế năng động phía Nam.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trước những “nút thắt” về hạ tầng, Bình Dương cần “tháo gỡ” tuyến kết nối hiện tại từ Bình Dương xuống sân bay Long Thành, xây dựng đường sắt trên cao nối với TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tỉnh cần phải khơi thông hạ tầng kết nối các tuyến đường thủy. Bình Dương có 2 con sông lớn chảy qua địa bàn là Sài Gòn và Đồng Nai, đây cũng là lợi thế của tỉnh, tuy nhiên chưa phát huy hết lợi thế này.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên