Khơi thông tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Cập nhật: 03-04-2023 | 08:11:54

Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có nhiều chính sách kịp thời, thiết thực về việc gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… và tiếp tục cho vay mới đối với những doanh nghiệp (DN) cần vốn để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn.

 Người dân, DN có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, minh bạch dòng tiền… khả năng tiếp cận vốn vay sẽ cao hơn. Trong ảnh: Tư vấn cho khách hàng tại BIDV chi nhánh Bình Dương

 Doanh nghiệp gặp khó

Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho rằng: “Ngân hàng chưa có những chính sách thật sự nới lỏng để giúp DN tiếp cận vốn. Trong thời kỳ dịch bệnh, NHNN chỉ đạo hạ lãi suất ngân hàng, DN vô cùng phấn khởi, nhưng nay lãi suất lại tăng lên khi lạm phát tăng, đây thực sự là một cú sốc của DN”. Theo bà Trương Thị Thúy Liên, các DN có nhu cầu vay nhưng không có tài sản thế chấp, vay tín chấp là con đường duy nhất. Nhưng vay tín chấp phải có phương án kinh doanh tốt và hợp đồng kinh tế hiệu quả cao ngân hàng mới xét cho vay. Với tình hình nội tại của DN đòi hỏi phương án kinh doanh tốt là rất khó. Đó là ngõ cụt mà DN không thể tiếp cận vốn vay của ngân hàng dù lãi suất vay thấp.

Với ngành bất động sản, ông Trần Văn Trọng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Hương, cho biết ngân hàng quy định DN muốn vay xây dựng dự án bất động sản (BĐS) phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có thể thế chấp. Tuy nhiên, hầu hết các dự án chỉ mới có giấy phép xây dựng, có giao kết hợp đồng nhưng chưa có hồ sơ thẩm định giá, chưa nộp thuế. Từ đó, DN BĐS cũng không thể cầm cố để vay. “Các ngân hàng nên cho DN vay thực hiện dự án bằng giấy phép xây dựng. Có như vậy, mới có thể gỡ khó cho DN”, ông Trần Văn Trọng đề xuất.

Ông Phan Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Bình Dương Xanh, cho biết hiện rất nhiều DN trong ngành đều có vay vốn ngân hàng, thế nhưng hiện nay đang chịu lãi vay khá cao. Gần đây, NHNN đã đưa lãi suất cơ bản xuống, do đó các ngân hàng thương mại cần xem xét đưa mặt bằng lãi suất xuống, tạo điều kiện cho DN tồn tại.

Ngoài các khó khăn trên, các DN còn gặp nhiều khó khăn khác như quy hoạch chung giữa các huyện, thị, thành phố và các quy hoạch phân khu không khớp nhau, dẫn đến tình trạng DN phải chờ chủ trương để triển khai dự án.

Gỡ “nút thắt”

Về điểm nghẽn tiếp cận tín dụng, ông Đoàn Long Cương, Giám đốc Trung tâm Khách hàng Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện tại Techcombank đã triển khai các chính sách tín dụng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa với hạn mức tín dụng lên tới 20 tỷ đồng. Trong đó, phần hạn mức tín chấp lên tới 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết DN chưa tuân thủ các chuẩn mực sổ sách kế toán, thậm chí có DN quy mô lớn nhưng không có vị trí giám đốc tài chính để kết nối thông tin, trao đổi phối hợp kịp thời. Đây là một trong những điểm đứt gãy khiến DN khó nhận được sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng.

Chia sẻ thêm về “nút thắt” đang làm khó DN, bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Vietcombank Bắc Bình Dương, cho biết để gỡ nút thắt, điều kiện tiên quyết DN phải minh bạch trong quá trình sản xuất, kinh doanh, kiểm toán, đặc biệt phải có phương án kinh doanh khả thi, sau đó là điều kiện tài sản thế chấp. “Nếu chỉ dựa vào tài sản thế chấp để vay vốn thì ngân hàng không khác gì tiệm cầm đồ. Vietcombank sẵn sàng mời các hiệp hội ngành hàng, DN đến để trao đổi từng vấn đề, trường hợp cụ thể để DN tiếp cận vốn vay hiệu quả”, bà Tâm nói.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương, cho biết lãi suất ngành ngân hàng đang áp dụng là kết quả của sự chia sẻ, nỗ lực tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất tối đa cho DN, nhưng cần có lộ trình chứ không thể giảm ngay. NHNN chi nhánh Bình Dương đang tiếp tục chỉ đạo sát sao và kỳ vọng quý II lãi suất vay sẽ giảm sâu hơn, từ 1 - 1,5%/năm. Đối với các kiến nghị, đề xuất, phản ánh của DN, NHNN sẽ có những buổi làm việc trực tiếp và cụ thể đối với hiệp hội, DN để có hướng giải quyết hiệu quả. Hiện các ngân hàng đang mở rộng cánh cửa tín dụng mời chào DN vay vốn.

 Năm 2021-2022, ngành ngân hàng tỉnh đã triển khai đa dạng các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng vay vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi cho vay ngắn hạn 7%/ năm, trung dài hạn 8,8%/năm, thấp hơn đến 1 - 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường. Giảm lãi suất cho vay tối đa lên tới 3%/năm cho các khách hàng kinh doanh BĐS gặp khó khăn. Đồng thời, tiếp tục cấp tín dụng mới đối với các dự án BĐS khả thi, đầy đủ về mặt pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm tốt, bảo đảm khả năng trả nợ vay, trong đó ưu tiên cấp tín dụng các dự án BĐS đáp ứng nhu cầu thực của người dân về nhà ở.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên