Tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 tại Việt Nam có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, cuối tuần trải qua ba ngày liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân mới. 75% ca đã được điều trị khỏi, chỉ còn 25% ca đang điều trị tại các cơ sở y tế. Tín hiệu vui này có thể dễ khiến người dân chủ quan, lơ là với phòng dịch.
Số mắc giảm, số ca khỏi bệnh tăng, bệnh nhân nặng có tín hiệu khả quan
Bước sang giai đoạn 2 của phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đang có những ngày được coi là “dễ thở” vì số ca mắc giảm dần về 0, số công bố khỏi bệnh chiếm tới 2/3, các ca nặng đang được điều trị tích cực và đã có tín hiệu lạc quan hơn trước. Cả về dự phòng và điều trị, Việt Nam đã và đang có những bước đi quyết liệt, kịp thời và đúng hướng để kiểm soát dịch không bùng phát.
Biểu đồ số ca mắc do Bộ Y tế công bố cho thấy, từ ngày 4-4 số ca mắc đã giảm dần, chỉ trung bình ghi nhận năm ca/ngày. Trong đó, có những ngày 5, 11, 14, 15, 16 cả nước chỉ ghi nhận thêm một ca mắc mỗi ngày. Đặc biệt, từ sau khi công bố ca mắc tại Hà Giang vào sáng 16-4, 72 giờ qua, Việt Nam chưa phát hiện có thêm bệnh nhân Covid-19.
Đến sáng 19-4, Việt Nam vẫn chỉ ghi nhận 268 ca mắc, trong đó có 201 ca đã được điều trị khỏi/xuất viện, chiếm tỷ lệ 75%. Như vậy, chỉ còn 25% số ca mắc đang được điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 20 ca đã có kết quả âm tính ít nhất một lần. Đến nay, chúng ta vẫn duy trì được thành công trong công tác điều trị, hội chẩn những ca bệnh nặng, chưa để ca nặng nào tử vong.
Người dân cần phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến đầu trong công tác điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 với tổng số ca là 135. Đến nay, đã có 98 ca điều trị tại đây được xuất viện, tiếp tục theo dõi tại các cơ sở y tế khác hoặc tại nhà. Trong giai đoạn một, bệnh viện điều trị khỏi cho năm ca. Cao điểm nhất, ngày 30-3, viện công bố 27 điều trị khỏi. Từ ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đã có 66 người tiếp tục được công bố khỏi bệnh.
Chia sẻ về công tác điều trị, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, giai đoạn đầu các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, còn trẻ tuổi nên công tác điều trị không quá khó khăn, diễn biến sức khỏe tốt. Nhưng đến giai đoạn hai, số ca mắc nhiều hơn, bệnh lý phức tạp hơn, bệnh nhân cũng phức tạp hơn nên có nhiều khó khăn cho điều trị. Trong số bệnh nhân hiện nay, nhiều người cao tuổi mắc các bệnh lý nền.
Đặc biệt, khó khăn hơn là điều trị cho các bệnh nhân người nước ngoài, khác cả về văn hóa và nhu cầu dinh dưỡng. Đồng thời, một số bệnh nhân nước ngoài lúc đầu mới nhập viện không hợp tác, thậm chí còn từ chối cách thức điều trị của Việt Nam. Thí dụ bệnh nhân 237 người Thụy Điển mắc bệnh lý về máu không hợp tác trong điều trị, từ chối dùng thuốc nên các bác sĩ phải chuyển đổi phương án điều trị.
Bác sĩ Cấp cho biết, phác đồ điều trị của Việt Nam thường xuyên cập nhật và sửa đổi cho phù hợp thực tế điều trị, cũng như cập nhật các thông tin từ thế giới. Khi chúng ta có nhiều hơn kết quả nghiên cứu từ nhiều nước, nhiều bệnh nhân, thì tiếp tục có sự thay đổi ở những phiên bản sau để ngày càng hoàn thiện hơn nữa.
Với những cuộc hội chẩn trực tuyến từ các chuyên gia đầu ngành, Việt Nam đã điều trị thành công cho nhiều ca bệnh nặng, trong đó ca nặng đầu tiên được xuất viện và về nước là bệnh nhân người Trung Quốc mắc các bệnh lý nền và từng phẫu thuật ung thư phổi.
Với những bệnh nhân nặng còn đang điều trị, BN19 có đáp ứng tốt, gọi hỏi giao tiếp được, nhận biết không gian, thời gian, bản thân tốt, không liệt khu trú, không có phù trên lâm sàng, bệnh nhân không sốt trong ngày 16-4. BN161 thở máy qua nội khí quản, thông khí 2 bên rõ, tiếp tục cho bệnh nhân tập thở, cơ lực còn yếu, huyết áp 110/60mmHg, gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, liệt nửa người trái, bệnh nhân còn sốt cơn dao động trong ngày. Bilan viêm trong ngày có xu hướng giảm nhẹ, men gan xu hướng giảm.
Bệnh nhân 91 là phi công người Anh được xác định là ca nặng nhất cũng đã không còn sốt, thở máy, có nhịp tự thở, không chảy máu mũi miệng, kiểm soát rối loạn đông máu (theo dõi hội chứng HIT) tạm ổn. Đến sáng nay, 19-4, nam bệnh nhân vẫn nằm yên với thuốc an thần, sinh hiệu ổn, thở êm, không chảy máu thêm, tiểu 1.300 ml/24 giờ và tiêu chảy 500 ml, trên X-quang và siêu âm, tình trạng tổn thương nhu mô chưa cải thiện. Tuy nhiên, Tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân đã được kiểm soát ổn, chức năng phổi có chuyển biến theo hướng khá hơn, các bác sĩ đang giảm dần thông số máy ECMO. Ngoài ra, xét nghiệm PRC dịch mũi họng đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 một lần, dịch rửa phế quản âm tính 3 lần. Test nhanh kháng thể cho kết quả dương tính.
Chủ quan, lơ là sẽ làm bùng phát dịch
Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, trong tuần giãn cách thứ 3 này, khi các tín hiệu có vẻ khả quan khi số ca mắc giảm, tỷ lệ điều trị khỏi tăng, nếu người dân chủ quan, sẽ làm đổ mọi công sức phòng, chống dịch thời gian vừa qua.
PGS, TS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nhận định, việc trong ba ngày qua không có thêm ca mắc mới cũng phần nào nói lên việc lây nhiễm ngoài cộng đồng chưa đáng kể. Tuy nhiên, số người mắc Covid-19 hiện nay có triệu chứng nhẹ rất nhiều và chủ quan không vào viện làm xét nghiệm, nên rất có thể những đối tượng này sẽ bị bỏ qua, chưa được phát hiện ra.
Trước tình hình các ổ dịch vẫn còn diễn biến phức tạp với ổ dịch của Công ty TNHH Trường Sinh tại Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch Hạ Lôi, ổ dịch tại Sam sung, PGS, TS Nguyễn Hồng Hà cho rằng, khi phát hiện có ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng và mất dấu F0 - nguồn phát sinh đầu tiên (F0) thì nguồn này vẫn vô hình trong cộng đồng. Đây vẫn là mối nguy lây bệnh cho mọi người dân.
Vì thế, thời điểm này vẫn rất cần sự cảnh giác trong cộng đồng, phải tiếp tục theo dõi trong thời gian tới, khi hết giai đoạn giãn cách xã hội thứ 2, mọi thứ vẫn tốt thì sẽ có các biện pháp điều chỉnh phù hợp. Cũng theo chuyên gia này, phải 14 ngày liên tiếp kể từ ngày không ghi nhận thêm ca mắc thì mới có ý nghĩa đánh giá dịch đã lui hay chưa.
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định, giãn cách xã hội chính là yếu tố quan trọng mang tới thành công trong khống chế dịch không bùng phát. Tuy nhiên, đây là một dịch bệnh phức tạp và thế giới còn đang gồng mình để chống lại nó, thì Việt Nam cũng không thể lơ là, chủ quan, nếu không sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, nếu không tiếp tục giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện để virus lây lan.
Hiện nay, Hà Nội và các vùng lân cận đang tiến hành xét nghiệm rộng kể cả những người không thuộc diện F1, có tiếp xúc gần, xét nghiệm ngẫu nhiên để tìm tỷ lệ kháng thể với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tức là những người đã và đang nhiễm bệnh trong cộng đồng mà chúng ta không biết. Kết quả xét nghiệm sẽ cho chính quyền thành phố hình dung được bức tranh dịch tễ hiện tại để có các biện pháp xử lý.
Việc chống dịch là việc cần phải có sự đồng lòng của toàn dân. Do đó, dù mọi tín hiệu lạc quan, nhưng các chuyên gia dịch tễ đều khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm giãn cách xã hội và các biện pháp bảo vệ bản thân khi ra ngoài cộng đồng.
Theo Nhân Dân