Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh điều này tại hội thảo về thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các bệnh viện công lập, tổ chức tại Hà Nội ngày 19-9.
Cho tới nay, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Tài chính cùng một số bộ, cơ quan khác xây dựng Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh công lập. Bộ Y tế cũng có tờ trình Chính Phủ xem xét từ tháng 11-2010 (khi đó Bộ trưởng Y tế là ông Nguyễn Quốc Triệu). Trước đó, dự thảo tăng giá viện phí được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành, bệnh viện và người dân.
Theo dự thảo này, khoảng 350 giá dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá, chủ yếu tăng 2-2,5 lần, cá biệt có 70 dịch vụ tăng 7-10 lần trong giai đoạn 2011-2012. Từ 2013 trở đi, khi có nghị định thì sẽ thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, chuyển từ thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán trọn gói...
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, 350 dịch vụ có mức giá lỗi thời này sẽ có lộ trình đổi mới giá thành 3 đợt. "Trước mắt chỉ điều chỉnh một số giá dịch vụ quá bất hợp lý. Như tiền khám bệnh 3.000 đồng/lần phải tăng, nhưng tăng lên 15.000 đồng hay 30.000 đồng còn phải xem xét", bà Tiến nói.
Ngày 10-9 vừa qua, hội đồng thẩm định đã tổ chức thẩm định buổi đầu tiên.
Bộ Y tế cho rằng, việc điều chỉnh giá viện phí lần này chỉ áp dụng với các cơ sở y tế công lập và không ảnh hưởng nhiều tới 53 triệu người đã có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng ngay cả người có thẻ bảo hiểm y tế cũng sẽ “thiệt hại” nặng trong đợt tăng giá.
Theo một chuyên gia của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chẳng hạn với nhóm chỉ phải thanh toán 5% thì "5% của 100.000 đồng sẽ khác và nhỏ hơn rất nhiều với 5% của 500.000 đồng. Khi đó, việc tăng giá viện phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả 53 triệu dân tham gia bảo hiểm y tế". Vì thế, theo ông, Bộ cần đưa ra mức giá tăng như thế nào cho phù hợp.
Ngoài ra, việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế để cân đối quỹ cũng không phải là một việc đơn giản. Từ năm 2010 mức đóng này đã được điều chỉnh tăng từ 3% lên 4,5% tiền lương, tăng gấp 1,5 lần đã khiến một bộ phận không nhỏ người dân chịu tác động. Như những hộ cận nghèo, dù ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 80% nhưng số người tham gia bảo hiểm y tế vẫn rất ít. Theo thống kê, năm 2010 trong hơn 12 triệu hộ cận nghèo chỉ có hơn 1,7 triệu người tham gia (chiếm gần 10%).
Theo VNE