Khủng hoảng chính trị ở Iraq trở nên trầm trọng

Cập nhật: 14-04-2012 | 00:00:00

Thủ tướng Nouri al-Maliki, đứng đầu Liên minh Nhà nước pháp quyền bị cáo buộc phá hoại tiến trình hòa bình tại Iraq.  

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Iraq có nguy cơ trầm trọng hơn khi ngày 12-4 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban bầu cử nước này, ông Faraj al-Haidari bất ngờ bị bắt giữ. Cộng đồng người Kurd cũng như những người thế tục tại nước này cáo buộc Thủ tướng Nouri al-Maliki, đứng đầu Liên minh Nhà nước pháp quyền đang phá hoại tiến trình hòa bình.

 Hiện trường vụ đánh bom ở Iraq hồi tháng 12-2011  Phát biểu với báo chí tại nơi giam giữ, ông Faraj al-Haidari cho biết, ông và một quan chức khác của Ủy ban bầu cử là ông Karim al-Tamimi bị bắt chỉ vì khoản tiền thưởng 83 USD cho những giờ làm thêm, điều mà ông cho là hoàn toàn bình thường.

Ông Faraj al-Haidari  cũng khẳng định, hành động này không phải là nhằm vào ông mà là Ủy ban bầu cử cũng như toàn bộ tiến trình dân chủ. Tuy nhiên, người phát ngôn Hội đồng tư pháp tối cao Iraq khẳng định, ông Faraj al-Haidari bị bắt vì có hành vi sai trái, dùng tiền công quỹ sai mục đích và có thể bị chịu án 7 năm tù giam.

Theo các nhà quan sát, ông Faraj al-Haidari, một người Kurd theo dòng Shiite, đứng đầu Ủy ban bầu cử Iraq từ năm 2007 từ lâu bị coi là một chướng ngại vật đối với Liên minh Nhà nước pháp quyền khi trong các cuộc bầu cử năm 2010 đã từ chối kiểm lại phiếu trên khắp cả nước theo yêu cầu của ông Maliki khi đó là Thủ tướng mãn nhiệm.

Trong một thông cáo, ban lãnh đạo khu vực tự trị người Kurd ở miền Bắc  Iraq cho rằng, đây là một sự vi phạm rõ ràng tiến trình chính trị dân chủ. Theo họ, việc bắt giữ 2 nhân vật này là nhằm xem xét lại tính độc lập của Ủy ban bầu cử và giết chết tiến trình chính trị. Trong khi đó, một thủ lĩnh khối Irakia được người Hồi giáo dòng Sunni hậu thuẫn cho rằng Thủ tướng Nouri al-Maliki đứng đằng sau mọi chuyện.

Đây là diễn biến mới nhất của tình trạng căng thẳng chính trị tại Iraq kể từ khi chính phủ chia sẻ quyền lực ở Iraq được thành lập cách đây 1 năm sau cuộc bầu cử năm 2010. Các vị trí lãnh đạo được chia sẻ giữa dòng Hồi giáo Shiite, dòng Hồi giáo Sunni và cộng đồng người Kurd.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=293
Quay lên trên