Kỳ 2: Chuyên nghiệp hóa hoạt động khuyến công
Chương trình khuyến công đã được UBND tỉnh phê duyệt (theo Quyết định số 2686/QĐ-UBND ngày 21-10-2015). Theo đó, Sở Công thương thẩm định và phê duyệt kinh phí thực hiện 22 đề án tổng vốn 2.068 triệu đồng gồm 7 nội dung, trong đó vốn đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) là 6.263 triệu đồng.
Phát huy hiệu quả đầu tư, thu hút lượng lớn vốn đối ứng của DN
Với Chương trình Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN đã hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn đã hỗ trợ cho 7 DN, cơ sở CNNT. Kinh phí được cấp, đề nghị, phê duyệt là 810 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 6.263 triệu đồng. Các đề án này đã được trung tâm triển khai thực hiện theo đúng trình tự thủ tục và giám sát theo dõi thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm mục tiêu đề ra. Có thể thấy chương trình đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của DN, cơ sở CNNT. Với “vốn mồi” của chương trình, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất ngày càng có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN vừa và nhỏ trên địa bàn.
Tập huấn công tác khuyến công cho các địa phương và cơ sở CNNT
Để chuyên nghiệp hóa hoạt động khuyến công, Trung tâm Khuyến công đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công cho gần 500 cán bộ phụ trách công tác khuyến công tại các xã, phường, thị trấn và các cơ sở CNNT trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, TX.Tân Uyên, Thuận An. Các lớp tập huấn đã đáp ứng nhu cầu thiết thực giúp cho cán bộ và các cơ sở CNNT đang hoạt động trên địa bàn nắm bắt những chính sách, văn bản về khuyến công từ đó xác định nhu cầu xin hỗ trợ, nhằm tận dụng nguồn kinh phí của Nhà nước phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, Trung tâm Khuyến công đã phối hợp với Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương tổ chức đào tạo 2 lớp nâng cao năng lực quản trị DN cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 100 học viên tham gia khóa học đang làm việc tại các cơ sở CNNT được cấp giấy chứng nhận của trường Đại học Thủ Dầu Một. Phối hợp với Hiệp hội Chế biến gỗ tổ chức Hội thảo “FLEGT và những ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh” cho gần 100 đại biểu đại diện cho 50 DN đang hoạt động trong ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương. Hội thảo đã giúp các DN hiểu rõ hơn các yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp của gỗ, cũng như những yêu cầu về chất lượng gỗ; các sản phẩm được chế biến từ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam do hiện tại các sản phẩm chế biến gỗ sản xuất chủ yếu được xuất khẩu do đó phải bảo đảm nguồn hàng yêu cầu về chất lượng, xuất xứ rõ ràng, yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ… nhất là đối với thị trường EU.
Ngoài ra, trung tâm duy trì cung cấp thông tin tuyên truyền thường xuyên trên Trang tin điện tử Khuyến công Bình Dương; xuất bản Bản tin Công thương hàng quý, hàng năm, tuyên truyền trên Đài Truyền hình và Báo Bình Dương.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Nhìn chung, hoạt động khuyến công đã từng bước khẳng định được vai trò trong việc thúc đẩy CNNT phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa địa phương. Nên chương trình khuyến công năm qua gặp nhiều thuận lợi. Công tác phối kết hợp giữa các phòng chuyên môn của Sở Công thương và Trung tâm Khuyến công đã ngày càng đi vào nề nếp và có chiều sâu, nên có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn từ khâu xây dựng đến xét duyệt kinh phí thực hiện. Đã xây dựng và hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện và một số xã trọng điểm để từng bước củng cố, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thực thi chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh. Cán bộ làm công tác khuyến công được đào tạo, tập huấn về chuyên môn, trong đó có công tác thẩm định đề án và thẩm định kinh phí, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của cơ sở CNNT.
Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công đã tích cực thông tin tuyên truyền chính sách khuyến công trong năm qua đã triển khai rộng rãi đến các cơ quan quản lý khuyến công cấp huyện, thị, thành phố các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các cơ sở CNNT trên địa bàn.
Song bên cạnh thuận lợi về đội ngũ làm công tác khuyến công, chương trình gặp khó khăn lớn về vốn. Hiện nguồn vốn khuyến công được cấp hàng năm tương đối thấp so với nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của các cơ sở CNNT. Từ đó chưa phát huy hết hiệu quả của chính sách, vì vậy không thể huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển CNNT. Kinh phí được cấp hàng năm từ nguồn khuyến công địa phương dao động từ 2 - 2,2 tỷ đồng, cho thấy nguồn kinh phí quá ít so với tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh và nhu cầu thực tế từ các đơn vị thụ hưởng.
Các cơ sở CNNT cho biết: Vốn đã ít, thời gian giải ngân cho hoạt động lại kéo dài làm giảm hiệu quả của đề án. Do trung tâm chỉ tham gia hỗ trợ một phần của dự án đầu tư, nên khi dự án nghiệm thu hoàn tất, chủ đầu tư mới đủ cơ sở tiến hành giải ngân. Chậm nhất là các chương trình tư vấn. Một hợp đồng tư vấn, từ khi ký kết đến khi thanh lý nhận tiền, có thể kéo dài từ 1 - 2 năm.
Hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động khuyến công
Tiếp tục phát huy hiệu quả của khuyến công, năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Bình Dương sẽ triển khai đồng thời các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công theo hướng chuyên nghiệp hóa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công.
Năm nay, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, DN rất cần sự đồng hành của Nhà nước, trung tâm sẽ bám sát nội dung chương trình khuyến công quốc gia và địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và đề án khuyến công, bảo đảm tính thiết thực cao, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN cho biết: Trung tâm sẽ triển khai đồng thời các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin với tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công theo hướng chuyên nghiệp hóa nhằm nâng cao chất lượng công tác, đồng hành tốt hơn với DN. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hợp tác, nỗ lực tìm kiếm và khai thác các nguồn vốn khác để đẩy mạnh xã hội hóa khuyến công. Hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở CNNT thực hiện liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường với sản lượng lớn. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ. Huy động thêm các nguồn lực cho công tác khuyến công. Đẩy mạnh hỗ trợ về đào tạo tay nghề, đào tạo về quản lý, cải tiến mẫu mã, bao gói nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm CNNT của địa phương.q
Trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (PTCN) chú trọng, ưu tiên xây dựng và triển khai các đề án, nhiệm vụ khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) CNNT mang lại nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động. Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường.
BẢO ANH