Kiên quyết bài trừ tội phạm “tín dụng đen”

Cập nhật: 02-11-2022 | 09:45:13

Lợi dụng sự khó khăn về tài chính của người dân, doanh nghiệp trong thời gian qua, hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trong 9 năm 2022, lực lượng Cảnh sát hình sự đã phát hiện, điều tra làm rõ 6 vụ, khởi tố 8 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.


Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Phạm Bá Thụy về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Nhận diện thủ đoạn “tín dụng đen”

Trao đổi với P.V, Trung tá Lê Xuân Sang, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an (CA) tỉnh, cho biết hoạt động “tín dụng đen” truyền thống hiện nay đang trở lại với thủ đoạn tinh vi hơn như dán quảng cáo, phát tờ rơi nhưng không mở văn phòng, điểm giao dịch. Các giao dịch chủ yếu thông qua điện thoại hoặc mạng xã hội nhưng không yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ mà chỉ yêu cầu cung cấp hình ảnh cá nhân, số điện thoại của người thân. Một số đối tượng khác hoạt động cá nhân cho vay thông qua quan hệ quen biết, thường tập trung chủ yếu tại các địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An…

Một thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm của “tín dụng đen” là lập các hợp đồng “giả cách” với người vay tín chấp, thế chấp. Người vay cần số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng và chấp nhận trả lãi suất rất cao, đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay. Gắn liền với thủ đoạn trên là thủ đoạn “mua bán nợ”. Chủ nợ lập hợp đồng với công ty “mua bán nợ” (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) liên hệ người vay và sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố như tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải, máu chó… để đòi nợ.

Cũng theo Trung tá Lê Xuân Sang, hiện nay đang nổi lên tình trạng các đối tượng người nước ngoài cấu kết với các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng thông qua các trang website, ứng dụng trên điện thoại di động để công khai quảng cáo các hình thức cho vay với thủ tục đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân; lãi suất vay bị các đối tượng này lách luật bằng cách tính các khoản phí dịch vụ. Khi người vay không trả nợ, đối tượng đòi nợ theo kiểu “quấy rối, khủng bố” thông qua sim “rác” và mạng xã hội nhằm khủng bố tinh thần buộc phải liên hệ yêu cầu người vay trả nợ cho chúng, dẫn đến tâm lý hoang mang lo sợ cho những người không liên quan như người thân, bạn bè, chủ doanh nghiệp.

Dẹp loạn “tín dụng đen”

Trung tá Lê Xuân Sang, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh, cho biết trong 9 tháng năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện điều tra làm rõ 6 vụ, bắt và khởi tố 8 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Điển hình là vào tháng 6-2022, Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh phối hợp với CA TX.Bến Cát khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Phạm Bá Thụy (sinh năm 1982, ngụ TX.Bến Cát) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Từ tháng 9-2020, Thụy nhiều lần cho chị P.N.T. (sinh năm 1985, ngụ tại TX.Bến Cát) vay tiền với lãi suất từ 6% - 24% một ngày, tương đương 2.160% đến 8.640% một năm. Ban đầu chị T. vay của Thụy số tiền 90 triệu đồng nhưng do không trả lãi kịp nên Thụy đã cộng dồn tiền lãi thành tiền vay tổng cộng hơn 10 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi Thụy đã thu của chị T. đến khi bị bắt là hơn 4 tỷ đồng. Khám xét nơi ở của Thụy, Cơ quan CA thu giữ 2 lượng vàng, 1,75 tỷ đồng, trong đó có 500 triệu đồng Thụy mới thu lãi của chị T. cùng nhiều giấy tờ liên quan đến việc cho vay lãi nặng.

Theo Trung tá Lê Xuân Sang, một trong những nguyên nhân khiến “tín dụng đen” có điều kiện hoạt động đến từ việc một bộ phận người dân vẫn còn thiếu kiến thức, chủ quan, chưa nâng cao tinh thần cảnh giác, dễ mắc phải “bẫy” hoặc tham gia vào các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

“Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”, lực lượng Cảnh sát hình sự tiếp tục tăng cường phối hợp các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đấu tranh, trấn áp tội phạm “tín dụng đen”. Trong đó, phòng tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh doanh tài chính, viễn thông, internet, an ninh mạng, có phương án kịp thời ngăn chặn số tin nhắn, thông báo, cuộc gọi rác của nhóm đối tượng đòi nợ và có hành vi khủng bố để ngăn chặn số điện thoại có biểu hiện hoạt động đòi nợ trái quy định của pháp luật. Song song đó, phòng cũng phối hợp Sở Tài chính bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ; phối hợp tổ chức kiểm tra xử lý các cơ sở hoạt động cho vay nặng lãi trực tuyến. CA các địa phương tổng rà soát tình hình “tín dụng đen” trên địa bàn, trong đó tập trung xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh không phép, lợi dụng việc thành lập công ty, văn phòng đại diện để “núp bóng” kinh doanh tài chính trái pháp luật, cho vay nặng lãi, thu hồi nợ; kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh cầm cố tài sản gắn với cho vay có lãi suất vượt mức lãi suất theo quy định của pháp luật...” Trung tá Sang cho biết thêm.

Trong 9 tháng năm 2022, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn tỉnh đã tổ chức ra quân tuyên truyền trực tiếp đến nhân dân 32 buổi với hơn 5.600 lượt người tham dự, phát hành hơn 9.000 tờ rơi tuyên truyền. Bên cạnh đó, CA các địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra hành chính 539 nhà trọ, 152 nhà nghỉ, khách sạn, 59 cơ sở cầm đồ, 229 cơ sởkinh doanh, hộ gia đình, 364 cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện khác; cho 59 cơ sở cầm đồ viết cam kết, gửi thư yêu cầu đến 38 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay lãi nặng.

NGỌC HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên