Kiên quyết xử lý hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản không đúng quy định

Cập nhật: 17-12-2020 | 20:46:41

Trong những năm qua, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp cùng các địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời các tổ chức, các cá nhân vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản. Trong trường hợp chủ đầu tư các dự án không tuân thủ theo quyết định xử lý vi phạm hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản; không chủ động sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án, cố tình vi phạm hoặc tiếp tục vi phạm theo tình tiết tăng nặng về điều kiện khởi công công trình, vi phạm về huy động vốn trái phép; không tự tổ chức phá dỡ công trình vi phạm theo quyết định xử lý vi phạm sẽ bị cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo quy định hiện hành.

Dự án Midoripark tại TP.Mới Bình Dương góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở, tạo diện mạo đô thị ngày càng khang trang.

Kịp thời xử lý vi phạm theo quy định pháp luật

Cùng với tốc độ phát triển đô thị nhanh, tình hình đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm và lựa chọn để đầu tư triển khai thực hiện các dự án bất động sản, góp phần tạo nên diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, đã mang lại cho Bình Dương nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ từ nguồn vốn xã hội hoá, đảm bảo theo các quy định pháp luật hiện hành. Đa phần các dự án đầu tư xây dựng được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo các thủ tục pháp lý, vẫn còn một số dự án được triển khai thi công xây dựng khi chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý theo quy định, dẫn đến các sai phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản. Tính từ năm 2019 đến nay, Sở Xây dựng đã xử lý vi phạm đối với 74 dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Nghị định số 139/2017/NĐ - CP của Chính phủ quy định: Đối với các công trình, dự án đang xây dựng, việc xử lý vi phạm hành chính ngoài việc xử phạt tiền còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc chủ đầu tư vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

 

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Căn cứ Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ, khi kết thúc thời hạn làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo quy định (60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính), đã có nhiều chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý có liên quan, lập thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng và được xem xét cấp giấy phép xây dựng đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư dự án không xuất trình giấy phép xây dựng trong thời gian yêu cầu, theo quy định chủ đầu tư phải thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm”.

Nhằm kịp thời xử lý các vi phạm cùng với việc nắm bắt tiến độ, quá trình các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng đã chủ động đôn đốc tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành việc thực hiện quyết định xử lý vi phạm. Nhìn chung, trong quá trình xử lý vi phạm, các chủ đầu tư vi phạm đều nghiêm túc chấp hành nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng việc nộp tiền phạt, đồng thời liên hệ với các sở ngành, địa phương và đơn vị có liên quan để hoàn tất thủ tục pháp lý, lập thủ tục để được xem xét cấp phép xây dựng theo quy định.

Chủ đầu tư gặp nhiều vướng mắc

Tìm hiểu về những nguyên nhân dẫn đến các dự án chưa hoàn thành các thủ tục cấp phép xây dựng, đại diện Sở Xây dựng cho biết, đối với các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, trên cơ sở nội dung được chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án này có thuận lợi trong việc triển khai các bước tiếp theo để thực hiện hoàn tất các thủ tục pháp lý cho dự án. Tuy nhiên, quá trình triển khai, chủ đầu tư gặp những vướng mắc trong nhiều giai đoạn như: hoàn chỉnh các thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc điều chỉnh các nội dung quy hoạch hoặc thiết kế theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, các ý kiến góp ý của các Sở ngành, địa phương cần có thời gian thực hiện; các quy định trong các lĩnh vực liên quan về môi trường, phòng cháy chữa cháy, thoả thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước mưa, nước thải)… các thủ tục cần thời gian nhất định để các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Ngoài ra, một số dự án có quy mô, cấp loại dự án cần phải được các cơ quan Trung ương xem xét theo thẩm quyền trước khi được các cơ quan chức năng cấp tỉnh xem xét giải quyết các thủ tục thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng. Điều này dẫn đến mất nhiều thời gian để hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý có liên quan theo yêu cầu.

Đối với các dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, việc hoàn chỉnh cấp thủ tục pháp lý có liên quan để được xem xét thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng càng gặp nhiều khó khăn (chỉ có thể thực hiện khi đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án). Tuy nhiên, để có thể được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thì chủ đầu tư phải đảm bảo đúng các trình tự và yêu cầu đã được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, đặc biệt là đất đai, lựa chọn chủ đầu tư và cần nhiều thời gian.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Thực tế, trong thời gian vừa qua, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh bất động sản được điều chỉnh. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, chưa thống nhất giữa quy định của các ngành về đất đai, xây dựng, đầu tư nên dẫn đến việc vận dụng, áp dụng các văn bản pháp luật để giải quyết cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các sở ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ. Phần lớn các dự án nêu trên chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, nhà đầu tư mới thực hiện bước lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết và chưa thể thực hiện các bước tiếp theo về chủ trương đầu tư, xây dựng”.

Về đất đai, các dự án nhà ở thương mại, chung cư không thuộc các trường hợp được Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai 2013 nên các nhà đầu tư phải thực hiện công tác tự thoả thuận đền bù theo giá thị trường; một số trường hợp chưa đền bù hết cho toàn dự án dẫn đến các thủ tục tiếp theo liên quan đến đất đai không thể thực hiện được.

Ông Tuấn Anh, cho biết thêm: “Căn cứ ý kiến nêu trên thì các dự án nhà ở thương mại, chung cư không đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 11, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, chưa đủ cơ sở để các đơn vị lập đề xuất dự án đầu tư có sử dụng đất gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh ban hành danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Mặt khác, phần lớn các chủ đầu tư dự án này chưa nắm và hiểu rõ hết các quy định pháp luật đang được điều chỉnh, các thủ tục pháp lý cần thiết thực hiện nên tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan để được xem xét cấp phép xây dựng làm cơ sở cho việc triển khai thi công theo hồ sơ được duyệt nhưng lại nóng vội và đã triển khai thi công nên bị xử lý vi phạm theo quy định”.

Làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư

Từ quá trình rà soát và đánh giá đối với các dự án như trên, trong thời gian tới, Sở Xây dựng tăng cường phối hợp cùng các Sở ngành, địa phương nơi có các dự án. Trong đó, tập trung rà soát, phân loại, thống kê danh sách các dự án vi phạm để tổ chức làm việc với từng chủ đầu tư dự án, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án theo quy định. Đồng thời, ghi nhận các vướng mắc, đề xuất của chủ đầu tư để cùng các Sở ngành, địa phương xem xét, hướng dẫn thực hiện theo quy định. Đối với các trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.

 “Trong trường hợp chủ đầu tư các dự án không chủ động hợp tác, triển khai hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án, cố tình vi phạm theo tình tiết tăng nặng để thực hiện các hoạt động đầu tư khi chưa đủ điều kiện khởi công, kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện kinh doanh là không đúng theo quy định, Sở Xây dựng sẽ yêu cầu chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình vi phạm. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND tỉnh theo hướng kiên quyết xử lý vi phạm theo đúng quy định thông qua hình thức tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm”, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nói.

Đối với các trường hợp một số chủ đầu tư dự án thực hiện huy động vốn trái phép, vi phạm các quy định về kinh doanh bất động sản đã được xử lý vi phạm đúng quy định. Tuy nhiên, hoạt động này của các chủ đầu tư dự án tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng”, mất an ninh trật tự khi có sự tranh chấp, xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư, các đơn vị tham gia kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của dự án với các tổ chức, cá nhân đã nhận chuyển nhượng, đặt cọc, đặt chỗ và các hình thức khác như trong thời gian qua. Do đó, việc tổ chức cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm cần phải được cân nhắc thật kỹ, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, chi phí cho bộ máy để tổ chức cưỡng chế theo đúng trình tự pháp luật quy định.
 
Phương Lê

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=881
Quay lên trên