Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 17-12-2020 | 09:47:09

Việc đổi mới máy móc thiết bị là đòi hỏi khách quan đối với các đơn vị sản xuất nếu muốn chiến thắng trong cạnh tranh, củng cố và mở rộng chỗ đứng của mình trên thị trường cả trong hiện tại và tương lai.


Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Quốc tế Trung Dũng (TP.Thuận An)

Định vị chỗ đứng trên thị trường

Nền kinh tế thị trường đã tạo cho các doanh nghiệp (DN) nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, gắn chặt với nó là một hệ thống các quy luật kinh tế. Trong đó quy luật cạnh tranh đặt DN vào tư thế cạnh tranh nếu muốn tồn tại và phát triển. Trong xu thế đó buộc DN phải có chiến lược đổi mới máy móc công nghệ, phát triển các chiến lược sản xuất theo hướng hội nhập, tăng cường khả năng thích ứng thị trường nếu không muốn thua lỗ phá sản là điều khó tránh. Và các DN công nghiệp hỗ trợ không đi ngoài những quy luật ấy.

Nói về những điểm yếu của các DN cơ khí, hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Đỗ Xuân Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Trung Dũng (TP.Thuận An), cho biết tình trạng chung của nhiều DN hiện nay là nguồn vốn tự có rất hạn hẹp, không đủ sức để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới. Nhưng trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DN càng không thể “đứng ngoài lề” trước máy móc, thiết bị, công nghệ mới. Lựa chọn những máy móc, thiết bị, công nghệ mới, hiện đại nhằm giúp mang lại giá trị gia tăng, giảm chi phí vận hành cũng như tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Công ty Cổ phần Quốc tế Trung Dũng được thành lập năm 1988 từ một cơ sở sản xuất nhỏ dựa trên ngành nghề truyền thống lâu đời của gia đình. Sau hơn 30 năm, công ty đã trở thành DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm: khóa cửa tay gạt, bộ chốt cửa clemon, bản lề cửa, hardware furniture, bàn ghế inox, đồng, thép xuất khẩu và phục vụ các dự án cao cấp trong nước... đúc đồng, inox và dịch vụ gia công xi mạ PVD.

Sản phẩm do đơn vị sản xuất ra sau khi đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới vừa có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm cũng như hình thức mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu thị trường tiêu dùng. Công ty luôn nỗ lực nâng chất lượng sản phẩm kết hợp với hạ giá bán sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, điều này có ý nghĩa rất lớn đến sự tồn tại của đơn vị. Hiện nhu cầu thị trường cho sản phẩm ngành công nghiệp cơ khí của công ty là rất lớn. Tuy nhiên, để mở rộng các thị trường này, sản phẩm ngành cơ khí của công ty phải tăng chất lượng, đơn vị phải tăng năng lực sản xuất, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm đúc cơ khí của đơn vị, đồng thời giảm tỷ lệ phế phẩm xuống thấp nhất.

Trong số rất nhiều giải pháp thường được áp dụng thì đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, hiện đại hóa công nghệ sản xuất là giải pháp quan trọng. DN quan niệm việc thường xuyên đổi mới máy móc thiết bị công nghệ sản xuất, thường xuyên trang bị mới những máy móc thiết bị hiện đại thì sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí sản xuất...

Qua tìm hiểu nhu cầu, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp đã hỗ trợ công ty đầu tư mới hệ thống, thiết bị bao gồm hệ thống keo điện di để nâng cao chất lượng sản phẩm khi xuất xưởng; hệ thống tủ điện cảm ứng nấu đồng (tủ điện nấu đồng 300Kg/mẻ-80Kw, hệ thống điều khiển nhiệt độ) để tiết kiệm chi phí sản xuất và đẩy nhanh quá trình sản xuất. Máy móc thiết bị mới 100%.

Thu hồi vốn đầu tư sau 24 tháng

Theo đánh giá, việc hỗ trợ Công ty Cổ phần Quốc tế Trung Dũng sẽ giúp DN đáp ứng nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm cơ khí của công ty. Việc hỗ trợ công ty ứng dụng hệ thống thiết bị, máy móc tiên tiến vào sản xuất sẽ giúp công ty có điều kiện tăng sản lượng, tiết kiệm chi phí do sản phẩm hỏng, tăng lợi nhuận, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho công ty trên thị trường. Đây là hình thức đầu tư mang tính khả thi đáp ứng nhu cầu các đơn hàng và mở rộng sản xuất của công ty trong giai đoạn hiện nay. Đề án mang lại hiệu quả rõ rệt khi đầu tư máy móc, thiết bị mới thay cho máy móc thiết bị cũ vận hành bằng phương pháp thủ công trước đây.

Hiện nay, công ty đang sử dụng tủ điện nấu đồng cũ thời gian nấu lâu và không hiệu quả. Khâu làm màu và phun keo cho các sản phẩm sau khi gia công cơ khí xong thực hiện chủ yếu bằng tay nên chất lượng sản phẩm không đồng đều. Sau khi đầu tư dây chuyền keo điện di và đầu tư hệ thống tủ điện cảm ứng nấu đồng, công ty sẽ tăng được hiệu quả sản xuất, bảo đảm được chất lượng sản phẩm. Giảm lãng phí và nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Việc đầu tư máy móc thiết bị mới này bên cạnh giải phóng sức lao động của công nhân, tăng năng suất nó còn giúp cho DN tiết kiệm được từ 15 - 20% tiêu hao nguyên liệu, giảm chất thải nguy hại ra môi trường và tạo không gian thoáng đãng cho người lao động làm việc. Đẩy mạnh thương hiệu của công ty về chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo uy tín vững vàng của công ty trên thị trường hiện nay. Doanh thu, lợi nhuận của công ty ước đạt sau đầu tư tăng khoảng 30%. Với tình hình sản xuất hiện tại, kèm theo các đơn hàng tiềm năng và khả năng hoạt động sản xuất đáp ứng yêu cầu khách hàng của công ty. Dự kiến sau khi hoàn thành dự án thì thời gian thu hồi vốn đầu tư là 2 4 tháng.

Với đặc thù công việc nghề cơ khí chế tạo, người công nhân phải thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại và nguy cơ xảy ra tại nạn lao động cao, nên khi DN đầu tư máy móc tự động hóa, môi trường làm việc tại nhà xưởng luôn sạch sẽ, công nhân đỡ vất vả hơn. Các máy móc mới, hiện đại giúp cho người công nhân không phải làm các công đoạn nặng nhọc, độc hại và tăng năng suất lao động của công nhân

Chính vì vậy Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, gia công cơ khí” cho Công ty Cổ phần Quốc tế Trung Dũng là hết sức cần thiết. Việc hỗ trợ giúp công ty có thêm điều kiện ứng dụng máy móc tiên tiến vào khâu sản xuất nhằm góp phần ổn định bảo đảm sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, đáp ứng cường độ lao động sản xuất hiện đại, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với hạ giá bán sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hiện tại, với gần 156 lao động đang làm việc thường xuyên tại công ty được hưởng mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng, nếu đầu tư dây chuyền máy móc mở rộng sản xuất, công ty sẽ bảo đảm ổn định việc làm cho số lao động của công ty, bảo đảm cho công nhân lao động phổ thông mức lương bình quân ổn định tăng thêm từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.

Sau khi có quyết định giao kinh phí chi tiết của Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tiến hành triển khai phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện đề án trên cơ sở đúng nội dung, đối tượng và ngành nghề được thụ hưởng chính sách khuyến công. Trung tâm căn cứ hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng với đơn vị cung cấp máy móc thiết bị và kinh phí được phê duyệt xây dựng hợp đồng hỗ trợ cho đơn vị thụ hưởng theo mức kinh phí được duyệt. Chi phí đầu tư mua sắm hệ thống máy móc, thiết bị: 619.718.000 đồng. Mua hệ thống máy móc, thiết bị mới theo hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng với đơn vị cung cấp hệ thống máy móc thiết bị, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, tăng sản lượng và năng suất.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên