Kinh tế trang trại : Hướng đến chuỗi liên kết giá trị gia tăng

Cập nhật: 08-06-2016 | 10:18:00

Kinh tế trang trại (KTTT) phát triển đã khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh.


Trang trại phôi nấm của bà Nguyễn Thị Minh Tấn, ấp Long Thọ, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm

Làm giàu  

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, tính đến nay, toàn tỉnh có 1.068 trang trại (TT) với tổng diện tích hơn 10.698 ha. Trong đó có 518 TT chăn nuôi, 542 TT trồng trọt và 8 TT tổng hợp. Các TT tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng và đã tạo việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động nông thôn. Cùng với những mô hình TT truyền thống, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình KTTT mới theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao. Các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế và có tính ứng dụng thực tiễn cao, tạo ra những bước đột phá trong phát triển TT của Bình Dương.

Theo tiêu chí phân loại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với trồng trọt, quy mô diện tích hơn 3 ha cho doanh thu 700 triệu đồng/năm sẽ được đánh giá là TT. Về chăn nuôi, chủ yếu dựa vào doanh thu hàng năm, hơn 1 tỷ đồng được xem là TT. Quá trình phát triển TT tại Bình Dương trong vài năm gần đây đúng với quy hoạch, định hướng của tỉnh, nhiều TT được đầu tư quy mô, ứng dụng khoa học trong gieo trồng, chăm sóc, sử dụng giống mới cho hiệu quả cao về sản lượng và giá trị kinh tế.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Long Hòa, chúng tôi đến thăm TT trồng phôi nấm của bà Nguyễn Thị Minh Tấn, ấp Long Thọ, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng. TT nấm rộng gần 1 ha của bà Tấn được đầu tư rất quy mô, phôi nấm làm ra cung cấp cho thị trường rộng khắp từ Bình Dương đến các tỉnh miền Tây. Mỗi tháng, TT cung cấp hơn 10.000 phôi nấm các loại như linh chi, bào ngư, nấm mèo… Gắn bó với nghề trồng nấm hơn 15 năm, giờ đây TT của bà Tấn đã phát triển ổn định, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, TT đã giải quyết được việc làm cho 20 lao động địa phương với mức lương từ 4 - 8 triệu đồng/tháng.

Đến thăm TT chăn nuôi gà của bà Trần Thị Kim Mai, ấp Bưng Thuốc, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, chúng tôi được biết, bà Mai sống bằng nghề chăn nuôi đã chục năm nay. Trước đây, bà nuôi heo gia công, giờ đây đã chuyển sang nuôi gà công nghiệp. Để đầu tư cho dãy chuồng lạnh nuôi 15.000 con gà, bà đã bỏ ra vài tỷ đồng vừa kéo điện, làm đường, dựng trại, mua máy phát điện dự phòng và cả máy cho ăn tự động. Bà Mai cho hay, dù nguồn vốn đầu tư ban đầu là khá cao nhưng yên tâm về khả năng thu hồi vốn, bởi đầu tư chăn nuôi đúng kỹ thuật, đàn gà sẽ cho nguồn thu ổn định. Sau khi đã ổn định, lợi nhuận thu được từ 200 - 400 triệu đồng/năm.

Được hỗ trợ tích cực

Thực tế cho thấy, sự phát triển của KTTT đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Những năm gần đây, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển loại hình kinh tế quan trọng này. Việc hỗ trợ phát triển kinh tế TT được lồng ghép, thông qua các quyết định như: “Những giải pháp chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến”; “Một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh”; “Chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới”… Đây là nguồn hỗ trợ thiết thực và kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các TT mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và thúc đẩy kinh tế TT phát triển.

Trong giai đoạn 2012-2015, Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh đã tổ chức họp xét duyệt, thẩm định và ra thông báo cho vay 15 phương án với tổng vốn là 43.950 triệu đồng. Qua khảo sát thực tế, các phương án vay vốn đều đạt hiệu quả cao. Lợi nhuận từ các phương án chăn nuôi đạt trung bình từ 100 - 120 triệu đồng/lứa đối với đàn heo thịt nuôi từ 900 - 1.200 con và đàn gia cầm nuôi từ 12.000 - 15.000 con; trồng hoa lan cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ năm/1.000m2,… bảo đảm khả năng trả vốn vay và tái đầu tư sản xuất trong giai đoạn tiếp theo. Hiệu quả đạt được từ các phương án vay vốn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng, các mô hình nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển cả về lượng lẫn về chất; tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt từ 80 - 100%.

Các TT tại địa phương đang cung ứng một nguồn thực phẩm lớn cho thị trường trong và ngoài tỉnh gồm heo, gà, trứng gia cầm, các loại rau quả, nấm… Cùng với chính quyền, ngành nông nghiệp, nông dân đã chuyển hướng đầu tư từ nhỏ lẻ, manh mún sang đầu tư tập trung, áp dụng chuẩn VietGAP để đưa ra thị trường những nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng, đem lại giá trị kinh tế lớn, đó là hướng đi tất yếu của một nền nông nghiệp bền vững mà Bình Dương đang hướng tới. 

 Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai các dự án, tập huấn cho các tổ chức, TT về định hướng phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị gia tăng.

 QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1038
Quay lên trên