Sau 4 năm nghiên cứu, thử nghiệm, đến nay, TS Nguyễn Mậu Tuấn (ảnh) cùng cộng sự ở Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng (thuộc Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên) đã thành công trong việc nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo tằm dâu (P. tenuipes) tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Đông trùng hạ thảo (mùa đông là côn trùng, mùa hạ là cây cỏ) là loài nấm mọc trên vật chủ là côn trùng (sâu hay nhộng), sau đó hình thành các thể quả mọc thẳng hay phân nhánh ra bên ngoài mình của vật chủ. Đây là dược liệu quý đối với sức khỏe con người. Qua nghiên cứu cho thấy, đông trùng hạ thảo (trùng thảo) chứa nhiều axít amin, các vitamin, các nguyên tố vi lượng cần thiết, có tác dụng bồi bổ cơ thể, trị bệnh dạ dày, ức chế sự phát triển của gen ung thư…
Từ ngày xưa, người ta đã tìm thấy loài nấm này trên những vùng núi cao trên 3.000m, như dãy Tây Tạng, Hymalaya. Người ta cũng biết đến tác dụng của nó “hơn cả nhân sâm” và rất hiếm. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng, trong những năm gần đây, bên cạnh việc ứng dụng phương pháp nuôi cấy hệ sợi nấm trong môi trường lỏng, việc nuôi cấy nấm này trên tằm dâu cũng đã được nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí người ta đã chuyên nghiệp hóa trong sản xuất.
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tằm dâu bắt đầu từ năm 2007, tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng. Đến nay, trung tâm đã sản xuất thành công nấm thành phẩm và đang sản xuất thử một số sản phẩm từ nấm như rượu, viên nang, viên nén đông trùng hạ thảo.
Theo TS Nguyễn Mậu Tuấn (từng làm luận án tiến sĩ tại Hàn Quốc với đề tài nấm ký sinh trên côn trùng), Bảo Lộc là xứ sở tằm tang, sẵn có nguồn vật chủ (tằm), sẵn có kinh nghiệm nuôi tằm; thời tiết, khí hậu ấm áp, nhiệt độ bình quân 23-25°C, thích hợp cho việc nuôi cấy trùng thảo quanh năm. Đây là điều kiện lý tưởng, thậm chí còn tốt hơn cả ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Sau 4 năm nghiên cứu, hiện TS Tuấn và các cộng sự đã tìm được những thông số, giải quyết hoàn chỉnh công nghệ nuôi cấy trùng thảo tằm dâu. Có thể cấy bào tử nấm trên con tằm sống, cũng có thể trên con nhộng (nhộng trùng thảo), đều cho sản phẩm chất lượng tốt.
TS Nguyễn Mậu Tuấn cho biết, hiện tại, trung tâm có đủ khả năng cung cấp nấm theo đơn đặt hàng của các công ty dược phẩm và có thể chuyển giao quy trình nuôi cấy cho các đơn vị, cá nhân. Hy vọng đây sẽ là hướng đi mới trong phát triển nông lâm nghiệp ở Lâm Đồng.
Theo SGGP