- Theo dược sĩ Nguyễn Thị Giang Nhung, phụ trách Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kháng thuốc kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển. Kháng thuốc kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc. Để phòng chống kháng thuốc, mỗi người dân cần chú ý những điều sau: Chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh. Luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh. Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh...
Ngoài ý thức của người dân, ngành y tế cũng kêu gọi các nhân viên và cơ sở y tế phải luôn bảo đảm bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn chuyên môn hiện hành. Báo cáo về các vi khuẩn kháng sinh cho các cơ sở tham gia giám sát kháng thuốc. Tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng kháng sinh đúng cách, kháng kháng sinh và nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng...
Ngoài ra, các cơ sở, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng cần thực hiện: Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh cho động vật dưới sự giám sát của bác sĩ thú y. Không sử dụng thuốc kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc phòng ngừa bệnh ở những động vật khỏe mạnh. Tiêm vắc xin cho động vật để giảm nhu cầu dùng kháng sinh và sử dụng các sản phẩm thay thế kháng sinh. Thúc đẩy và áp dụng các thực hành tốt trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Cải thiện an toàn sinh học trong các trang trại và ngăn ngừa nhiễm khuẩn thông qua cải thiện vệ sinh và bảo vệ, chăm sóc động vật.
CẨM LÝ (ghi)