4h sáng 26-2, nhóm lao động Việt Nam đầu tiên từ Libya về đến sân bay Nội Bài. 1.000 người khác đã được sơ tán sang các nước lân cận. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ ban đầu mỗi lao động một triệu đồng.
Sáng sớm 26-2, nhóm công nhân đầu tiên từ Libya đã về tới sân bay Nội Bài. Đây là các lao động thuộc Vinaconex.
Người lao động nước ngoài đang rời khỏi Libya. Đại diện của Vinaconex, đơn vị đưa lao động nhiều nhất sang Libya (khoảng 3.000 người) cho biết, dự kiến ban đầu đến chiều 25-2, 282 lao động của công ty về đến Hà Nội. Tuy nhiên đến 17h30 (giờ Hà Nội) ngày 25-2 họ mới về đến Dubai (UAE) và chuẩn bị bay từ Dubai về Việt Nam.
"Theo lịch trình, lao động sẽ từ Libya qua Malta, UAE và bay về nước. Có lẽ do sân bay Dubai quá đông nên họ phải chuyển tới một sân bay nhỏ hơn và lịch bay vì thế bị thay đổi", ông này nói.
Nhiều lao động Việt Nam từ Libya đang tiếp tục đi bằng đường bộ, đường biển để sang các nước lân cận, rồi từ đó về Việt Nam.
Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Libya và các doanh nghiệp cho biết, đến chiều 25-2, có 4.570 lao động di chuyển ra khỏi Libya. Trong đó có 1.000 người đã sang đến nước lân cận (Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta) và 285 đang trở về Việt Nam.
Trao đổi với PV, ông Phạm Sỹ Tam, đại sứ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, theo kế hoạch Ai Cập sẽ đón 5.000-6.000 lao động Việt Nam từ Libya sang bằng đường bộ. Đến 13h chiều 25-2 (giờ Ai Cập), đã có 328 lao động đến thủ đô Cairo. Hiện còn một đoàn 400 người ở biên giới đang chờ làm thủ tục nhập cảnh vào Ai Cập.
"Thời tiết khu vực biên giới rất lạnh, gió to, anh chị em lại bị thiếu lương thực nên khá mệt mỏi. Nhiều người bị mất hộ chiếu. Rất may khi tới biên giới Ai Cập, lao động được quân đội và cán bộ đại sứ quán tiếp tế, đồng thời làm thủ tục bảo lãnh cho những người mất hộ chiếu được nhập cảnh", ông Tam nói.
Đại sứ Tam cho biết, dù đại sứ quán đã chuẩn bị khách sạn, nhưng hơn 300 lao động Việt Nam từ Libya mới sang muốn được bay về nước ngay. Tuy nhiên, hiện việc sắp xếp chuyến bay rất khó khăn do sân bay quốc tế Cairo đang quá tải. Hơn nữa sau cuộc biểu tình, Chính phủ nước này đã lệnh giới nghiêm từ 12h đêm đến 6h sáng hôm sau.
"Để đón tiếp số lượng lớn lao động, chúng tôi rất cần được chi viện nhân lực từ trong nước, đặc biệt là từ các công ty đưa lao động sang làm việc tại Libya. Hiện chỉ có một số công ty như Sona, Vinaconex cho biết đã cử cán bộ từ Hàn Quốc và Việt Nam sang", ông Tam nói.
Trước khi xảy ra cuộc biểu tình ở Libya, Việt Nam có khoảng 10.000 người làm việc chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng tại đất nước này. Việt Nam bắt đầu đưa chuyên gia sang Libya từ những năm 90 của thế kỷ trước, tuy nhiên số lượng rất ít. Chỉ khoảng 3-4 năm gần đây, Việt Nam mới đưa nhiều lao động sang Libya.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những lao động từ Libya về nước sẽ được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ ban đầu một triệu đồng.
Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ sẽ căn cứ mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Các doanh nghiệp đưa lao động đi cũng dành một khoản hỗ trợ ban đầu cho lao động để về gia đình và ổn định cuộc sống.
Theo VNE