Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị y tế

Cập nhật: 13-04-2023 | 09:26:35

 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua, bổ sung nhiều điểm mới liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, đáng chú ý là các nội dung tự chủ bệnh viện và mở rộng đối tượng, tiêu chuẩn hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhằm quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã gỡ khó cho các đơn vị y tế. Trong ảnh: Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều chỉnh thiết bị y tế

Tháo gỡ khó khăn tự chủ bệnh viện

Thời gian qua, câu chuyện thiếu thuốc, hóa chất điều trị, thiếu trang thiết bị và cả chuyện nhiều y, bác sĩ xin ra khỏi ngành tại nhiều bệnh viện công thu hút sự quan tâm của dư luận. Tình trạng này có một phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc các đơn vị y tế thu không đủ chi làm mất cân đối ngân sách. Khó khăn về tài chính, các đơn vị y tế tự chủ nhiều năm không có tiền để đầu tư sửa chữa, xây dựng và mua sắm thiết bị. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra đời đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế, trong đó có các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như cuối năm ngoái, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh không có thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành giá đã gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của bệnh viện theo cơ chế tự chủ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một bước hoàn thiện hành lang pháp lý để tháo gỡ các vấn đề lớn của ngành y tế hiện nay. Đó là quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước; quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ về tài chính được quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cũng như cho phép các bệnh viện được quyết định nguồn thu và toàn quyền tuyển dụng nhân sự.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết: “Trong bối cảnh kinh phí Nhà nước hiện còn hạn hẹp, các đơn vị y tế chưa có kinh phí để mua các loại máy xét nghiệm, chẩn đoán hiện đại thì việc xã hội hóa là cần thiết. Với những quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và sự phối hợp thực hiện của các bộ, ngành liên quan, hy vọng thời gian tới sẽ tháo gỡ pháp lý trong khâu thanh toán mà bấy lâu bệnh viện, nhà đầu tư gặp khó”.

Mở rộng đối tượng và tiêu chuẩn hành nghề

Đây là một trong những nội dung mà Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định chặt chẽ để tăng cường việc quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của người hành nghề và thể chế hóa quan điểm của Đảng ta về công tác khám, chữa bệnh. Bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Trước đây, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, chỉ có 6 đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là: Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, lương y và người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Theo quy định mới tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được gọi chung là giấy phép hành nghề. Ngoài 6 đối tượng nêu trên, luật mới bổ sung thêm 3 đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề là: Dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng”. Bác sĩ Dương Tấn Tài nhấn mạnh, việc mở rộng các đối tượng hành nghề khám, chữa bệnh đã góp phần bao quát hết các đối tượng đang công tác trong lĩnh vực y tế tại các cơ sở y tế và khắc phục tình trạng tùy tiện trong cơ chế xin cấp chứng chỉ. Việc quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề y phù hợp với xu hướng chung ở các nước trên thế giới.

Nói về đối tượng hành nghề trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay: “Điểm mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là mở rộng đối tượng hành nghề. Luật sửa đổi đã thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn và phải kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Luật quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm, đồng thời quy định điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề là phải cập nhật kiến thức y khoa để phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Riêng quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo”.

Ngoài quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) còn quy định cụ thể về đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; cho phép thanh toán chi phí chữa bệnh từ máy móc xã hội hóa; được mượn, thuê, cho thuê trang thiết bị để phục vụ khám, chữa bệnh, cho phép mua chậm, trả chậm trang thiết bị. Đây là hành lang pháp lý, giải quyết vấn đề xã hội hóa, cho phép thanh toán chi phí chữa bệnh từ máy móc xã hội hóa”.

(Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh)

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên