Ngày 1-7-2014, Luật Tiếp công dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 6 ngày 25-11-2013 thông qua sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật.
Theo đó, người dân có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp xúc, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với người lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước. Luật quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.
Về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quy định cụ thể tại chương II như: Có quyền trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh… và có nghĩa vụ nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại…
Đáng lưu ý, luật quy định rõ: Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng; Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng và Chủ tịch UBND cấp xã phải trực tiếp tiếp công dân 1 ngày trong 1 tuần. Ngoài ra, các lãnh đạo nêu trên còn phải thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau: Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, luật còn quy định về trách nhiệm tiếp công dân của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán Nhà nước, các cơ quan của Quốc hội. Luật cũng chỉ rõ thêm, khi công dân có yêu cầu gặp đại biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì đại biểu Quốc hội có trách nhiệm sắp xếp thời gian tiếp công dân; trường hợp chưa thể tiếp công dân được thì đại biểu Quốc hội cử người nhận đơn hoặc hẹn tiếp công dân vào thời gian thích hợp.
Những quy định về tiếp công dân tại Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 sửa đổi, bổ sung năm 2004 và 2005; Chương V của Luật Khiếu nại hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật Tiếp công dân có hiệu lực.
SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG