Mô hình nuôi thử nghiệm kỳ đà: Mở lối đi riêng

Cập nhật: 29-12-2012 | 00:00:00

 Trong một lần hội ngộ cựu chiến binh miền Đông ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), ông Trần Bửu Điện (ấp 4, Trừ Văn Thố, Bến Cát) có dịp nghe đồng đội kể về những mô hình làm kinh tế hiệu quả. Vừa nghe đến câu chuyện nuôi giống “cản mũi” của một người đồng chí năm xưa ở xã Phước Ninh (Dương Minh Châu), ông Điện quyết chí: “Phải kéo nó về Bình Dương mới được!”.  

 Ông Lý Bình Minh bên những con kỳ đà có giá trị kinh tế cao

Ông Điện mang niềm trăn trở về Trừ Văn Thố kể cho người anh vợ là ông Lý Bình Minh, không những đồng tình, ông Minh còn đề nghị góp vốn làm ăn chung. Vài ngày sau, nhờ sự liên hệ của người đồng đội ở Dương Minh Châu (Tây Ninh), ông Điện và ông Minh bắt đầu nhập 200 con giống (120 triệu đồng) từ Campuchia về nuôi.

NGÀY ĐẦU GIAN NAN

Ngày mới thành lập trại, do chưa am hiểu về điều kiện sinh sống, ăn uống của kỳ đà, hai anh em Điện - Minh đã “bị hành” không ít. “Mỗi lần trời mưa gió hay lạnh một tý là con giống cứ co rúm lại nằm một chỗ, không chịu lớn”. Kỳ đà là loài chịu nhiệt khá tốt, thông thường, loài bò sát này sống ở khu vực khô ráo và có nhiệt độ từ 55 đến 60 độ C. “Những ngày mới đưa về nuôi, hai anh em cứ ỷ y thời tiết miền Đông Nam bộ mình tốt lắm rồi nên không lắp bóng đèn sưởi ấm cho con giống nên nuôi hoài mà không thấy chúng lớn” - ông Điện kể.

Sau một thời gian nắm bắt quy luật sinh sống, ăn uống của loài bò sát quý hiếm này, hai anh em ông Điện bàn cách nhân giống từ những con kỳ đà bố mẹ đang nuôi. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn hiện hữu, những lứa trứng đầu tiên đẻ ra, không phải lép thì bị hư hỏng. Theo đánh giá của ông Minh, trong số hàng trăm trứng được kỳ đà mẹ đẻ ra gần đây, chưa có trứng nào thật sự đạt chuẩn để ấp và nở ra con. Bài toàn nhân giống lại thêm một lần nữa làm anh em ông đau đầu. Đánh đường dò hỏi khắp nơi, cuối cùng ông Điện cũng biết được nguyên nhân. Theo các chuyên gia nghiên cứu, để kỳ đà mẹ sinh đẻ, ngoài việc phải bảo đảm các vấn đề như con giống, không gian chuồng trại, thời tiết, nhiệt độ, người nuôi kỳ đà còn phải có chế độ ăn bảo đảm dinh dưỡng cho con giống.

Tính đến nay, trại kỳ đà của hai anh em nhà ông Điện đã đi vào hoạt động được gần 5 tháng, từ những ngày không biết một tý “dây mơ rễ má” gì, giờ đây ông Điện và ông Minh đã nắm vững trong tay những quy luật sinh sống, ăn uống và sinh đẻ của loài bò sát quý hiếm.

HỨA HẸN THU NHẬP CAO

Quan niệm “thất bại là mẹ của thành công”, nên dù những ngày đầu mô hình nuôi kỳ đà có vẻ không “thuận buồm xuôi gió” nhưng chưa bao giờ hai anh em nhà ông Điện nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Đối với những người thật sự có tâm huyết, việc bỏ ra một quãng thời gian để tìm hiểu quy trình chăn nuôi chỉ là một bước đệm cho những thành công sau này.

Trại kỳ đà của hai anh em ông Điện nằm cạnh các nguồn thức ăn dồi dào (trại gà, trại heo) nên chế độ ăn của những chú bò sát nặng chưa đầy 1kg từ những ngày đầu luôn được bảo đảm. Có lẽ vì vậy mà chỉ trong 5 tháng nuôi thử nghiệm, những con kỳ đà đều đã nặng trên 3kg.

Tính theo giá thị trường (500.000 đồng/kg), hiện tại ông Điện và ông Minh đang nắm trong tay hơn 300 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí, chỉ trong 5 tháng, mô hình nuôi thử nghiệm kỳ đà lãi ròng hơn 150 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu của sự đột phá: “Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân giống lên 900 con. Đầu năm sau các bạn quay lại đây sẽ thấy sự đổi khác hoàn toàn” - ông Điện nói.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=684
Quay lên trên