Hòa chung không khí hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đang mong chờ hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của tỉnh trên chặng đường mới.
BÀ ĐẶNG THỊ KIM CHI, CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN KHU CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - SINGAPORE: Cần có thêm giải pháp nâng cao đời sống cho công nhân lao động
“Toàn tỉnh hiện có 29 khu và 12 cụm công nghiệp, thu hút gần 42.300 doanh nghiệp (DN) trong nước và trên 3.750 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, có khoảng 1,6 triệu lao động. Thời gian qua, Bình Dương luôn xác định lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực chăm lo cho đội ngũ CNLĐ, như về nhà ở, giải quyết việc làm, у tế, giáo dục, đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi, giải trí phục vụ cho người lao động...
Trong khuôn khổ hội thảo còn có hoạt động trưng bày “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”. Ảnh: XUÂN THI
Đặc biệt, trong đợt cao điểm Covid-19 năm 2021, tỉnh và các cấp Công đoàn đã quan tâm kịp thời đến CNLĐ, từ việc cung cấp lương thực - thực phẩm kịp thời, các gói chính sác hỗ trợ, tiêm vắc xin... nên CNLĐ và cả chủ DN rất yên tâm và tin tưởng hơn vào tổ chức Công đoàn, vào các chính sách của Bình Dương.
Tuy nhiên, nhìn chung đời sống CNLĐ vẫn còn rất khó khăn. Các điều kiện thu nhập, nhà ở... đều thấp, trong khi giá cả thì leo thang. Mong rằng, tại hội thảo này, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà nghiên cứu... sẽ có nhiều giải pháp để tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ. Cụ thể là tập trung hỗ trợ, giúp đỡ CNLĐ về việc làm, bảo đảm thu nhập; tiếp tục cải thiện điều kiện nhà ở; hoàn thiện mạng lưới y tế… Song song đó là tập trung quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống các khu vui chơi, giải trí để tạo điều kiện cho CNLĐ, nhất là lao động làm việc trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng”.
ÔNG NGUYỄN VĂN TÀI, ĐẢNG VIÊN Ở PHƯỜNG UYÊN HƯNG (TX.TÂN UYÊN): Thành phố thông minh thể hiện khát khao vươn lên mạnh mẽ của tỉnh
“Qua báo chí tôi được biết, Bình Dương lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. Đề án thành phố thông minh Bình Dương được khởi động từ năm 2016, là một nội dung cụ thể để thực hiện các chương trình phát triển đột phá của tỉnh. Đề án này lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa “3 nhà” gồm: Nhà nước - nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu) - nhà doanh nghiệp. Ý tưởng hình thành thành phố thông minh Bình Dương cũng chính là sự thể hiện khát khao vươn lên mạnh mẽ của tỉnh.
Vì vậy, tôi mong tại hội thảo này, các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà hoạch định chiến lược làm rõ hơn những định hướng của đề án này, qua đó người dân được thụ hưởng nhiều giá trị…”.
ÔNG NGUYỄN ANH VŨ, CHỦ TỊCH UBND PHƯỜNG PHÚ LỢI (TP.THỦ DẦU MỘT): Quan tâm đầu tư thêm các thiết chế văn hóa
“Nhìn lại chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, chúng ta thấy tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Hiện nay, Bình Dương là điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước và đang phấn đấu trở thành nơi đáng sống.
Có được thành quả đó là việc tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách hợp lòng dân; nhiều chương trình đột phá đã huy động được các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực công nghiệp, đô thị, cơ sở hạ tầng... Đặc biệt, tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng tình với tỉnh trong việc giải tỏa, đền bù để làm nhiều công trình, dự án lớn. Những năm gần đây, Bình Dương đã và đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh, mở ra nhiều cơ hội mới, tạo đà đột phá phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của tỉnh vẫn còn những mặt chưa toàn diện, đầu tư chưa xứng tầm. Vì vậy, tôi mong hội thảo lần này sẽ phân tích, đánh giá đúng thực trạng để đưa ra giải pháp phát triển phù hợp trong thời gian tới. Trong đó, tôi mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư nhiều hơn đến các thiết chế văn hóa để tạo điểm nhấn cho Bình Dương, cũng như đáp ứng nhu vầu về tinh thần cho người dân. Song song đó là một tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút rất đông người lao động từ các tỉnh, thành đến sinh sống và làm việc, nên tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến chăm lo an sinh xã hội, nhất là vấn đề nhà ở, an ninh trật tự...”.
THU THẢO