Từ khát vọng vươn lên...

Cập nhật: 19-04-2022 | 08:12:54

Với con đường đã chọn là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau 25 năm xây dựng, phát triển, Bình Dương hôm nay đã có sự đổi thay lớn lao. Chính khát vọng làm giàu cho quê hương, đất nước là động lực thôi thúc để có một Bình Dương công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay…

“Đi lên từ mảnh đất này… ”

Cách đây không lâu, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Bình Dương xây dựng và phát triển (1.1.1997 - 1.1.2022), trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, đã chia sẻ rằng, Sông Bé cũ trước đây có diện tích trên 1 triệu ha, đất rộng, người thưa, đất đai nhiều vậy mà không làm ra của cải vật chất, lương thực thiếu thốn. Đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên, sức người nhưng còn thiếu một số mặt để phát triển, nên tỉnh đã bàn bạc và đề ra chủ trương muốn đi lên thì phải huy động được sức người, sức của, tài nguyên, vật lực, vốn liếng trong và ngoài nước, khoa học kỹ thuật tiến bộ. Thống nhất tinh thần đó, lãnh đạo tỉnh Sông Bé cũ đã đề ra chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”.

 Công nghiệp hóa đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa, Bình Dương hiện đã có 3 thành phố trực thuộc tỉnh, 2 thị xã đang trên lộ trình trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Trong ảnh: Diện mạo đô thị công nghiệp hiện đại tại TP.Thuận An. Ảnh: QUỐC CHIẾN  

Theo ông Nguyễn Minh Triết, khi bắt tay vào thực hiện công nghiệp hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. “Khó khăn vô vàn, tính chiều nào cũng thấy khó, tiền không có, đi lại giao thông, liên lạc cũng khó, khoa học kỹ thuật… nhiều thứ yếu kém. Nhưng chúng tôi suy nghĩ, trong chiến tranh nước mình yếu mà vẫn đánh giặc được, tay không, tầm vông vạt nhọn chống lại với súng đạn còn làm được, lúc này tại sao không phát huy tinh thần đó, trước hết là tự lực, tự cường, đi lên từ mảnh đất này, đi lên từ những con người của mình...”, ông Nguyễn Minh Triết chia sẻ.

Và rồi, các công trình hạ tầng trọng điểm được đầu tư xây dựng, một số khu công nghiệp (KCN) hình thành. Nói về việc thành lập KCN, ông Nguyễn Minh Triết cho biết lúc này cả nước gần như chưa có KCN, chỉ TP.Hồ Chí Minh có Khu chế xuất Tân Thuận. Tỉnh đã bàn và xin ý kiến Trung ương, lập ra KCN và khái niệm về KCN được hình thành rồi phát triển cho đến bây giờ. Song song đó, tính từng bước phát triển hệ thống giao thông, bởi muốn địa phương phát triển, phải có giao thông, giao thông phải đi trước mở đường… Đó chính là mầm mống đầu tiên cho sự phát triển công nghiệp của Bình Dương sau này.

 “Bình Dương đã viết tiếp trang sử 25 năm rất đẹp rồi nhưng không được thỏa mãn, bằng lòng với hiện tại, mà phải tiếp tục phát triển mạnh hơn với bước đi mới bằng khoa học, kỹ thuật hiện đại hơn, chất lượng hơn. Muốn có được điều đó, chúng ta phải có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, địa phương. Tôi kỳ vọng và tin tưởng vào một Bình Dương phát triển, cùng với một Việt Nam phát triển sánh vai với bạn bè năm châu…”

(Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước)

Kỳ tích trên hành trình phát triển

Ngày 1-1-1997, Bình Dương được chia tách từ tỉnh Sông Bé, bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển, có diện tích 2.718,50km2, với 4 đơn vị hành chính là TX.Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát. Khi bước vào giai đoạn mới xây dựng và phát triển, Bình Dương có những thuận lợi cơ bản, đó là các cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội đang dần hoàn thiện; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thu được những kết quả bước đầu; nền kinh tế nhiều thành phần phát triển đúng định hướng; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật bắt đầu được đầu tư theo hướng hiện đại… Đặc biệt, Bình Dương còn có vị trí địa lý thuận lợi trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Bên cạnh thuận lợi, nhiều khó khăn, thách thức cũng đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh như xuất phát điểm thấp về nhiều mặt so với các địa phương khác, nguồn nhân lực còn hạn chế…

Tuy nhiên, bằng ý chí quyết tâm cao độ, tư duy dám nghĩ biết làm, tinh thần đoàn kết, thống nhất; kế thừa những thành tựu từ tỉnh Sông Bé cũ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực trong thời kỳ đầu bắt tay vào quá trình xây dựng và phát triển. Theo ông Nguyễn Minh Đức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, chỉ sau một thời gian ngắn, Bình Dương có bước chuyển biến một cách thần kỳ, được Trung ương đánh giá rất cao.

“Lúc đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đánh giá Bình Dương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hiện tượng thần kỳ trong quá trình đổi mới, vì không có tỉnh nào trong cả nước vừa mới bước vào quá trình xây dựng và phát triển lại có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp mạnh mẽ như vậy. Khi đó, Bình Dương đạt tỷ trọng công nghiệp trên 60% trong cơ cấu kinh tế, Trung ương cho rằng đây là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thành phố công nghiệp…”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Đến nay, sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã có 29 KCN, 12 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 88% diện tích, thu hút trên 50.000 doanh nghiệp trong nước và hơn 4.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng. Công nghiệp hóa đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa, Bình Dương hiện đã có 3 thành phố trực thuộc tỉnh, 2 thị xã đang trên lộ trình trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; thu nhập bình quân theo đầu người thuộc nhóm dẫn đầu của cả nước. Tiềm lực và khả năng cạnh tranh, thương hiệu của tỉnh được nâng lên tầm cao mới, được Trung ương đánh giá là địa phương thuộc nhóm các tỉnh, thành thành công trong sự nghiệp đổi mới.

Những thành tựu to lớn qua 25 năm xây dựng, phát triển của Bình Dương là rất đáng tự hào. Đây sẽ là tiền đề quan trọng và động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, cụ thể hóa các mục tiêu phát triển mới; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước…

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2164
Quay lên trên